Ngày 29-10, UBND TP HCM, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Khu công nghệ cao TP (SHTP) (24.10.2002-24.10.2022).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết SHTP được thành lập cách đây 20 năm với sứ mạng là xây dựng nền móng công nghiệp công nghệ cao cho TP nói riêng và cả nước nói chung. TP HCM xác định tầm nhìn trở thành tiểu Đô thị khoa học – công nghệ, Trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP, động lực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến nay, nhiều nhà đầu tư tại SHTP thành công theo đúng định hướng phát triển công nghệ cao để dẫn dắt kinh tế TP và đất nước. "Đây giai đoạn đầu định hình để nhìn lại cái được, chưa được. Giai đoạn tới sẽ định hình xu thế phát triển của thế giới để đưa ra định hướng phát triển không chỉ cho SHTP mà còn cho cả TP HCM gắn với phát triển kinh tế của đất nước thời gian tới" - Chủ tịch UBND TP HCM nêu nhận định.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (thứ 2 từ phải qua) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong khu công nghệ cao sáng 29-10
Người đứng đầu chính quyền TP HCM thông tin trọng tâm của SHTP trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, có tính lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại khu và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"TP HCM sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn nhằm sớm triển khai các dự án" - ông Phan Văn Mãi nói thêm.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết đến nay, Khu công nghệ cao TP HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỉ USD.
Trong đó, nguồn vốn nước ngoài (FDI) là 10,107 tỉ USD, các doanh nghiệp trong nước là 1,961 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp đạt 5,585 tỉ USD, chiếm 46,4%.
Trong khu có 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao như Intel, Jabil (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)...
Ngoài ra, Khu công nghệ cao đã lấp đầy hơn 85% đất thương phẩm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỉ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP HCM). Dự kiến, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỉ USD.
Tổng lao động tại SHTP tính đến ngày 30-6-2022 là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài.
Theo Bản quản lý SHTP, với yêu cầu phát triển đất nước nói chung và TP HCM nói riêng và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, hoạt động thu hút đầu tư vào SHTP cần có sự chủ động, có định hướng, chọn lọc, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, gắn với khai thác thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành tại đây
"Trong năm 2022, SHTP tập trung thu hút các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư và thu hút thành công dự án trung tâm logistics với chức năng ga hàng không nối dài nhằm góp phần tiết giảm chi phí logistics của doanh nghiệp. Dự kiến, đến năm 2030, SHTP sẽ phấn đấu trở thành một khu công nghệ cao trưởng thành đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197 ha là nhiệm vụ mang tính chiến lược" - ông Anh Thi nhấn mạnh.
Bình luận (0)