Tuy nhiên, bộ này cho biết sẽ chưa thực hiện ngay việc đổi mã vùng điện thoại cố định vào ngày 1-3-2015.
Đại diện Cục Viễn thông của Bộ Thông tin Truyền thông cho hay ngày 1-3 tới là thời điểm mà Thông tư 22 quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, Cục Viễn thông mới làm việc với các doanh nghiệp viễn thông về việc chuyển đổi mã vùng cố định, kế hoạch triển khai, lộ trình như thế nào, các bước chi tiết sẽ được bàn thảo, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để giảm thiểu tác động đến đời sống xã hội và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Cục Viễn thông mới xây dựng kế hoạch và trình Bộ trưởng phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện. Thời điểm bắt đầu triển khai chuyển đổi mã vùng hiện trên thực tế vẫn chưa được ấn định. Sau khi thống nhất được thời điểm này, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp sẽ công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước 60 ngày để người dân kịp chuẩn bị cho việc chuyển đổi.
Và việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ không áp dụng đồng loạt cho 59 tỉnh, thành mà thực hiện theo lộ trình, bao gồm nhiều giai đoạn nhỏ và tiến hành thận trọng để giảm thiểu mức độ tác động đến doanh nghiệp cũng như người dân. Dự kiến, lộ trình triển khai sẽ gồm 2 bước lớn: đầu tiên là chuyển mã vùng điện thoại cố định. Khi các mã vùng được thay đổi xong sẽ tiến tới chuyển đầu số di động, từ thuê bao 11 số chuyển thành 10 số.
Với việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, kế hoạch triển khai sẽ chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 3-6 tháng, áp dụng cho một số tỉnh, thành gần nhau về mặt địa lý. Trong thời gian mới chuyển đổi, Cục Viễn thông đã tính đến phương án quay số song song để người dân có thể quen dần với mã vùng mới.
Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn tất toàn bộ việc chuyển đổi mã vùng cố định cũng như thuê bao di động 11 số thành 10 số.
Tuy thừa nhận việc chuyển đổi mã vùng sẽ gây xáo trộn nhất định đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân nhưng Cục Viễn thông cho rằng, việc ban hành quy hoạch mới là cần thiết và càng triển khai chậm thì mức độ ảnh hưởng sẽ càng lớn. Kho số dành cho thuê bao di động hiện đã cạn kiệt và nhiều người dùng đã phải sử dụng thuê bao 11 số. Còn lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm.
Trong khi đó, trước đây theo quy hoạch kho số cũ, mảng điện thoại cố định chiếm tới 7 đầu số trong khi di dộng chỉ có 2. Quy hoạch này đã trở nên bất cập, gây lãng phí và kém hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên. Hơn nữa, quy hoạch kho số cũ được ban hành từ năm 2006 nay đã hết hiệu lực nên bộ phải ban hành quy hoạch kho số viễn thông mới.
Hơn nữa, hiện tại cả nước đang có 63 vùng cước điện thoại cố định, mỗi tỉnh một vùng cước riêng. Trong khi đó xu hướng chung là sẽ giảm số vùng cước xuống, gom các tỉnh gần nhau thành một vùng cước và phấn đấu trong tương lai, cả nước sẽ chỉ còn từ 8-10 vùng cước. Và việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ giúp đạt được xu hướng đó.
Sau khi chuyển đổi mã vùng, người dân sẽ sử dụng dịch vụ dễ dàng, thuận tiện hơn do không phải nhớ cước tới vài chục vùng. Về mặt kỹ thuật thì các tổng đài tính cước của doanh nghiệp viễn thông khi ấy sẽ hoạt động được thuận lợi nhất...
Theo quy hoạch kho số viễn thông mới được ban hành, mã vùng của một số tỉnh thành phố được điều chỉnh như sau: Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP HCM đổi từ 8 thành 28; Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; Hải Phòng từ 31 thành 225; Quảng Ninh từ 33 thành 203; Thanh Hóa từ 37 thành 237; Nghệ An từ 38 thành 238; Thừa Thiên - Huế từ 54 thành 234; Cần Thơ từ 710 thành 292; Phú Yên từ 57 thành 257; Khánh Hòa từ 58 thành 258...
Bốn địa phương có mã vùng không đổi là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang, vẫn giữ nguyên mã vùng lần lượt là 210, 211, 218 và 219.
Bình luận (0)