Phóng viên: Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa và nhiều ý kiến khác cho rằng chưa nên thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại kỳ họp Quốc hội lần này. Vậy quan điểm của ông ra sao?
- Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: Là người nghiên cứu về lĩnh vực này, tôi thấy vị trí (gần thị trường rộng lớn và nền tảng về hạ tầng "cứng" và "mềm" đóng vai trò quyết định) đóng vai trò hết sức quan trọng nếu không nói là quyết định. Do vậy, đến giờ này vẫn chưa thuyết phục được tôi lý do vì sao chọn làm đặc khu kinh tế (ĐKKT) ở 3 vị trí là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Tôi nói vậy có nghĩa là có vấn đề nghiêm trọng về cơ sở vật chất, bao gồm cả cơ sở vật chất "cứng" và "mềm". Để đầu tư hệ thống hạ tầng về điện, nước, giao thông cho bài bản thì theo tính toán của ban soạn thảo dự luật là cần khoảng 1,5 triệu tỉ đồng. Đây là số tiền khổng lồ và là gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia.
Quan trọng hơn, cơ sở hạ tầng "mềm" cho các ĐKKT cũng chưa có, đơn cử như thu nhập của lực lượng lao động có kỹ năng ở đó phải cao hơn các TP lớn như Hà Nội, TP HCM đáng kể mới thu hút được lao động có chất xám, có kỹ năng và nhất là đội ngũ trí thức chất lượng cao… Do đó, các nơi xa như vị trí của 3 đặc khu sẽ bất lợi về nguồn lực, không có năng lực cạnh tranh. Nếu muốn thử nghiệm các cơ chế đặc biệt nào đó và tạo mầm đột phá thì cần phải "trồng" ở nơi "đất tốt" chứ không phải những nơi gần như "đồng không mông quạnh".
Một góc thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Ảnh: HOÀNG TUẤN
Vậy theo ông, việc lựa chọn vị trí để làm 3 ĐKKT là chưa thuyết phục?
- Về nguyên tắc là cạnh tranh theo năng suất, như năng suất của doanh nghiệp là 1 đồng giá thành làm sao bán được giá cao nhất. Năng suất có nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó chất xám và tri thức đóng vai trò quyết định, thì ĐKKT phải ở nơi tạo ra khả năng cạnh tranh mới quan trọng, còn những ưu đãi như thuế, giá thuê đất… chỉ những đơn vị yếu mới cần. Vô hình trung, những ưu đãi của chúng ta sẽ tạo ra lựa chọn ngược, là chọn ông yếu không có khả năng cạnh tranh mà điều này trong quá khứ chúng ta đã phải trả giá.
Nếu lập luận dưới góc độ cần lập ra các ĐKKT để tạo cú hích, làm động lực cho nền kinh tế phát triển thì sao, thưa ông?
- Sức hút của một nền kinh tế là gì? Là người giỏi, người giàu và doanh nghiệp. Muốn vậy, điều kiện phải là những nơi sống tốt, có cơ sở hạ tầng tốt và nhiều yếu tố khác thì ở Việt Nam hiện nay, phải là Hà Nội và TP HCM. Doanh nghiệp cũng phải ở nơi có năng suất, năng lực cạnh tranh tốt. Bản chất sự cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia hiện nay là sự cạnh tranh của những khu đô thị lớn để thu hút đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nghiệp chất lượng nhằm tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế… Những yếu tố này, khi đối chiếu vào vị trí để chọn làm 3 ĐKKT là rất khó có cú hích đột phá cho nền kinh tế.
Thật ra, với Trung Quốc, đặc khu thành công nhất đến giờ là Thẩm Quyến, còn những nơi khác không phải là quá nổi bật. Thẩm Quyến có vị trí rất thuận lợi vì gần Hồng Kông, nơi có tri thức và công nghệ và là nơi mở ra thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng lúc đó. Họ có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên thành công.
Ở Việt Nam, do chưa có thị trường đầy đủ nên có ý kiến cho rằng tạo ra một nơi có thị trường đầy đủ thì nhà đầu tư sẽ đến. Nhưng nhìn ra khu vực, nhiều nơi cho nhà đầu tư một "mảnh đất trống" và thích làm gì thì làm nhưng cũng không thành công. Bởi như tôi nói, yếu tố quan trọng nhất là năng suất, bao gồm cả một hệ thống hạ tầng hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…
Nếu cho cơ chế đặc thù, biến các ĐKKT thành "thiên đường thuế" thì liệu các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ở các thiên đường thuế này? Trong khi muốn có thiên đường thuế phải liên quan đến dịch vụ tài chính ngân hàng với tất cả sản phẩm tài chính, công cụ tài chính rất phức tạp.
Ngay cả cơ chế quản lý cho các đặc khu làm sao hiệu quả nhất đến giờ cũng chưa được hoàn chỉnh?
- Theo tôi, trước tiên đừng nghĩ tới quản lý mà phải nghĩ về điều kiện để kích hoạt các đặc khu phát triển thì cơ chế là gì, nhà nước xây cơ sở hạ tầng có sẵn thu hút nhà đầu tư mục đích cuối cùng có tạo ra việc làm và thu ngân sách cho nền kinh tế, nó có tương ứng với ngân sách nhà nước đã bỏ ra? Chưa kể, nghĩ tới 3 đặc khu này hiện nay, nhà đầu tư có thể chỉ quan tâm tới bất động sản, sòng bạc và có khi là cả phố đèn đỏ. Mà sốt đất do mua đi bán lại thì nền kinh tế không được hưởng lợi.
Nhiều ý kiến cho rằng các mô hình ĐKKT trên thế giới rất ít thành công và thời điểm này không phải là "thời của đặc khu"?
- Đúng vậy, bây giờ không phải là thời của ĐKKT, đầu tư sẵn mọi thứ, nhà xưởng rộng lớn rồi mời nhà đầu tư đến. Giờ là thời của các chuỗi giá trị toàn cầu nên cần mức độ phi tập trung, chuyên biệt hóa. Do đó, chưa cần vội thông qua Luật Đặc khu lúc này, nếu cần là tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP HCM thì khả năng thành công nhanh hơn và tạo tác động lớn hơn. Khi nhắc tới nền kinh tế quốc gia có sức cạnh tranh, người ta thường nhắc đến Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc); Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hàn Quốc)… Những nền tảng phát triển phải tập trung tại các siêu đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông TRẦN HỮU HIỆP, nguyên Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:
Ba băn khoăn cần lời giải
Việc thành lập 3 ĐKKT là cần thiết nhằm tạo ra động lực cho phát triển. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần có lời giải cho 3 băn khoăn: gom chính sách dùng chung cho cả 3 đặc khu là sự khiên cưỡng; ĐKKT vẫn còn là mô hình cấp huyện, khó vượt qua chiếc áo cũ và sẽ vướng thể chế của "vòng kim cô" cấp tỉnh, mà cấp tỉnh vốn đang bị vướng mắc khi muốn vươn lên đột phá mới. Các đặc khu có khả năng tạo ra "cực tăng trưởng" của quốc gia khi chỉ là quy mô cấp huyện? Chưa định hình rõ mục tiêu ưu tiên hàng đầu của mỗi đặc khu vốn có nhiều khác biệt ngoài ưu tiên đất đai, thu hút FDI và casino. ĐKKT liệu có thể trở thành "phòng thí nghiệm chính sách" lan tỏa ra các nơi khi chỉ dựa trên các ưu đãi vượt trội?
TS ĐOÀN VĨNH TƯỜNG, Chủ nhiệm đề tài về nguồn vốn để phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa:
Đề phòng bằng "hàng rào kỹ thuật"
Việc xây dựng các ĐKKT Chính phủ đã có chủ trương. Điều cần bàn là phải có quy định rõ những nhà đầu tư nào, đầu tư lĩnh vực gì thì được thuê đất 99 năm hay 50 năm, chứ không phải ai cũng được thuê 99 năm.
Việc người dân lo lắng với tiềm lực kinh tế mạnh, khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào các đặc khu là rất cao, nguy cơ sẽ hình thành một "đặc khu của Trung Quốc" ngay trên đất nước ta là đúng. Cả 3 ĐKKT hiện nằm ở những vị trí khá nhạy cảm nên sự lo lắng là có cơ sở, chúng ta phải đề phòng. Cụ thể là cơ quan soạn thảo phải xây dựng cho được "hàng rào kỹ thuật" chặt chẽ, đó là các luật, nghị định, thông tư… quy định cụ thể từng trường hợp đặc biệt để quản lý, giám sát.
C.TUẤN - K.NAM
Bình luận (0)