Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cho biết trước tình trạng nhiều cơ sở khám chữa bệnh thiếu thuốc salbutamol để điều trị, bộ đã cho phép Công ty CP Dược Vacopharm và Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 mỗi đơn vị được phép nhập 50 kg chất này.
Bắt buộc phải nhập
Theo ông Đạt, Cục Quản lý dược cũng giao Sở Y tế địa phương giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu của 2 công ty trên. Đồng thời, cơ quan này gửi công văn đến Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), Cục Thú y và Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để các đơn vị phối hợp giám sát, hạn chế triệt để việc salbutamol bị thất thoát, sử dụng sai mục đích.
Lý giải việc nhập khẩu trở lại salbutamol, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết 9 tháng qua, cơ quan quản lý ngừng cấp phép để siết chặt các quy định về nhập khẩu, phân phối và sử dụng hoạt chất này, đồng thời cũng muốn các công ty đã nhập khẩu sử dụng hết lượng salbutamol hiện có. Tuy nhiên, nếu kéo dài tình trạng này, nguồn thuốc sẽ cạn kiệt, ảnh hưởng đến nhu cầu điều trị cho người bệnh.
“Không thể không cho nhập khẩu salbutamol vì đây là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị các bệnh đường hô hấp, điều trị cơn hen, viêm phế quản mạn tính…” - ông Đông giải thích.
Theo ông Đông, để hạn chế triệt để tình trạng bán nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở không sản xuất thuốc, cơ quan quản lý cấp phép cho doanh nghiệp (DN) nào nhập khẩu thì sẽ cung cấp thông tin cho Sở Y tế địa phương. Sở Y tế nắm rõ về số lượng salbutamol nhập khẩu, mục đích sử dụng, dùng vào sản xuất thuốc gì, số lượng bao nhiêu để giám sát và hậu kiểm.
Ngoài ra, Luật Dược sửa đổi đã đưa salbutamol và các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt”. Khi đó, các hoạt chất này sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ sử dụng sai mục đích.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng hiện nay, việc nhập salbutamol cũng như cung cấp cho các đơn vị sản xuất thuốc được Bộ Y tế quản lý rất chặt nên người dân không cần lo lắng. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, bộ này đã đề nghị Bộ Y tế giám sát nghiêm ngặt việc nhập khẩu, sử dụng salbutamol theo tinh thần quản lý kiểm soát đặc biệt; thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng trong sản xuất thuốc có chứa salbutamol.
Công khai, minh bạch thông tin
Dù Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT trấn an việc nhập khẩu salbutamol sẽ được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích nhưng dư luận lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Bởi trước đó, vào đầu tháng 3-2016, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT đã tranh luận gay gắt, thậm chí đổ trách nhiệm cho nhau khi để xảy ra tình trạng sử dụng salbutamol tràn lan trong chăn nuôi, gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, TP sơ kết 3 tháng cao điểm an toàn thực phẩm tổ chức vào đầu tháng 3 ở Bộ NN-PTNT, đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng Phòng 5 - C49, đã công bố trong 2 năm 2014 và 2015, Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu salbutamol cho 20 DN, trong đó 16 DN đã nhập khẩu hơn 9,1 tấn. Kiểm tra kho hàng của các công ty nhập khẩu cho thấy chỉ còn khoảng 3 tấn, như vậy 6 tấn đã bán ra thị trường. Việc sử dụng salbutamol đúng mục đích chỉ hơn 10 kg!
Số liệu này cũng đã được Bộ NN-PTNT thông tin tới báo chí. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho rằng thông tin chỉ có 10 kg salbutamol trong tổng số 9,1 tấn nhập khẩu sử dụng đúng mục đích là không chính xác.
Trong khi đó, ông N.V.T. - một chủ trang trại chăn nuôi heo ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội - tỏ ra lo lắng khi Bộ Y tế cho phép nhập trở lại chất salbutamol. Theo ông T., các thương lái có thể tìm mọi cách để yêu cầu người nuôi heo trộn chất này vào cám để giúp heo đẹp mã, tăng lượng nạc. Mặc dù nhiều người chăn nuôi đã ý thức được việc này là nguy hại nhưng vẫn còn một số bộ phận do hám lợi nên sẽ lén lút dùng.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, khẳng định thời gian qua, đã xảy ra chuyện salbutamol sử dụng sai mục đích. Vì thế, trong đợt nhập này, Bộ Y tế nên kiểm soát chặt và công khai, minh bạch thông tin để người dân yên tâm. Người chăn nuôi hiện đã có ý thức tốt về việc nói không với chất cấm. Họ đã hiểu an toàn thực phẩm là vấn đề sống còn của ngành chăn nuôi cũng như sức ép của việc bị cộng đồng lên án nếu phát hiện có dính đến chất cấm.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho rằng đợt nhập salbutamol lần này số lượng nhỏ, chỉ 100 kg và đơn vị nhập khẩu cũng như Bộ Y tế đã có phương án kiểm soát sử dụng. Điều đáng lo là lượng salbutamol tồn trong những lần nhập trước chưa xác minh được đang ở đâu sẽ nhân cơ hội này tuồn ra thị trường. Do vậy, việc kiểm soát đường đi của 100 kg salbutamol cần hết sức chú ý đến số lượng thực tế so với giấy tờ.
Đối với việc kiểm soát nhóm chất cấm tạo nạc, qua kiểm tra, lấy mẫu, 100% số lô nhập về Vissan giết mổ nhiều tháng qua không phát hiện dương tính, cho thấy tình hình có chuyển biến tốt.
Bàn về giải pháp căn cơ, ông Mười cho rằng cần thúc đẩy giết mổ công nghiệp tập trung. Nhà máy giết mổ sẽ là nơi kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng thịt. Từ đó, việc chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu thì mới bán được hàng. Hiện nay, việc giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ lậu vẫn còn. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị tiêu thụ heo ăn chất cấm hay heo bệnh nên sẽ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm.
Dùng nhiều gây chết người
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng ăn phải thịt chứa chất salbutamol tạo nạc có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Chất này khi tác động vào hệ cơ, hệ mạch sẽ gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch nếu sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất tạo nạc còn có khả năng tử vong.
Bình luận (0)