Ảnh hưởng của đại dịch với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là rất nặng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là nặng nề nhất từ khi quỹ này ra đời tới nay. Dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch, kinh tế Việt Nam suy giảm rất sâu, số DN và hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sẽ nhiều. Tuy nhiên, khả năng sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn, từ 6 tháng đến 1 năm.
Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, việc cần làm là tạo đòn bẩy cho kinh tế bật tăng trở lại sau dịch. Trước tiên, cần có giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh sao cho dịch chấm dứt càng sớm càng tốt. Đến thời điểm này, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch tốt nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra dự báo kịch bản tốt cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với mức tăng trưởng 7,5%, mặc dù dự báo tăng trưởng năm nay chỉ 4,8%-4,9%.
Từ đầu năm đến nay, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy số lượng DN ngừng hoạt động ngày càng tăng, số lao động mất việc làm cũng tăng. Chính phủ tung gói hỗ trợ bảo hiểm xã hội gần 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo, đồng thời đang thảo luận về việc triển khai gói hỗ trợ giúp DN duy trì hoạt động trong dịch và phục hồi sau dịch. Các biện pháp hỗ trợ này cần làm nhanh, sớm, quyết liệt để tránh tình trạng phá sản, giải thể ồ ạt. Phải giữ cho DN tồn tại bởi nếu DN "chết" thì kinh tế sẽ phục hồi rất chậm. Cụ thể, cần tiếp sức cho DN thông qua các chính sách gia hạn nợ, hoãn, giãn thời gian trả nợ, trả nợ với điều kiện thuận lợi và minh bạch, giảm lãi suất khoản vay mới, miễn giảm thời gian nộp thuế, phí, tiền thuê đất... Nguyên tắc hỗ trợ phải kịp thời, dễ thực hiện về thủ tục hành chính, công khai, phải đúng đối tượng. Khó khăn hiện tại cũng là điều kiện sàng lọc tự nhiên đối với các DN. Với những DN kém hiệu quả, lỗ lã nhiều năm thì cần mạnh dạn khai tử, ngừng mọi hỗ trợ để dồn lực cho những DN có tiềm năng.
Tái cơ cấu nền kinh tế cũng là việc cần làm. Trong giai đoạn sau dịch, chúng ta phải tận dụng thời cơ của công nghệ 4.0, tận dụng EVFTA, CPTPP và 12 FTA để đẩy nhanh sản xuất và xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu. Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để Việt Nam phát huy thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư hàm lượng khoa học công nghệ vào hạ tầng nông nghiệp, hệ thống phân phối, mạng lưới giao thông thủy lợi... để sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tiến tới làm hậu cần lương thực cho thế giới.
Bình luận (0)