Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm mạnh nhất từ tháng 6-2008 đến nay, phiên giao dịch ngày 5-2 của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề làm nhiều nhà đầu tư lo thời gian tới, thị trường sẽ bị bán tháo vì áp lực lãi vay.
Đỏ sàn
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán đã lập thêm kỷ lục mới là mức giảm sâu nhất trong lịch sử với 56,33 điểm, tương ứng 5,10%, kéo VN-Index lúc đóng cửa chỉ còn 1.048,71 điểm. HNX-Index cũng giảm 5,03 điểm, còn 118,94 điểm. Cả hai sàn chính thức có đến 453 mã giảm giá, 98 mã tăng giá.
Trong phiên này, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm điểm. Tuy nhiên, giảm mạnh nhất là nhóm cổ phiếu trong rổ VN30, với 27/30 mã giảm, trong đó có đến 13 mã giảm sàn. Các nhóm ngân hàng, bất động sản, dầu khí tăng mạnh trước đây cũng lao dốc… Các chuyên gia đánh giá khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trụ cột lao dốc thì thị trường khó có thể trụ vững.
VN-Index vừa có mức giảm điểm cao nhất từ trước đến nay Ảnh: Hoàng Triều
Điểm sáng còn lại trong phiên này là động lực mua của khối ngoại khi họ mua ròng 80,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là mức mua không đáng kể, bởi khối này trước đây chính là động lực chủ yếu khiến cho thị trường tăng giá. Ngoài ra, các nhà đầu tư lạc quan cũng nhìn nhận dù giảm điểm mạnh nhưng tổng giá trị giao dịch phiên này vẫn giữ ở mức cao, hơn 10.646 tỉ đồng, trong khi phiên thứ sáu tuần trước chỉ hơn 7.183 tỉ đồng. Như vậy, giá trị giao dịch vẫn tăng mạnh so với phiên trước.
Một số chuyên gia sâu sát thị trường cho rằng trong phiên thứ sáu tuần trước, tại Mỹ do áp lực chốt lãi mạnh và lo ngại lãi suất trái phiếu có thể tăng quá nhanh nên phiên giao dịch ngày 5-2, các thị trường chứng khoán châu Á cũng theo đà lao dốc mạnh, hàng loạt chỉ số quan trọng đều giảm từ 0,9% đến 2,55% giá trị. Không nằm ngoài xu thế đó, chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi đóng cửa phiên đầu tuần với hàng loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Chỉ trong một phiên, giá trị vốn hóa của thị trường đã mất khoảng 8 tỉ USD.
Sau giai đoạn tăng giá liên tục, việc thị trường điều chỉnh giảm là được nhiều nhà đầu tư lường trước bởi áp lực chốt lãi là không nhỏ. Ngoài ra, việc nhiều kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã công bố và sắp đến kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư có tâm lý bán cổ phiếu, nắm giữ tiền mặt để tránh rủi ro.
Lo Mỹ thắt chặt tiền tệ
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính - chứng khoán, nhìn nhận điều quan trọng khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh là do thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp có lãnh đạo mới. Khi đó, Mỹ sẽ có chính sách mới và nhà đầu tư lo chính sách đó bất ổn, như thắt chặt tiền tệ. Ngoài ra, điều đáng quan tâm là giá vàng trong thời gian vừa qua đã tăng khá mạnh. Từ tháng 12-2017 đến nay, giá vàng đã tăng 15%. Giá vàng tăng luôn là tin không tốt đối với giới đầu tư tài chính bởi đây được xem là kênh trú ẩn an toàn mỗi khi nhà đầu tư dự đoán sắp có "bão".
Trong nước, điều lo lắng hiện nay là thị trường chứng khoán thời gian sắp tới sẽ bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) dù hiện tại giá trị margin không nằm ở mức quá lo ngại vì giá trị vốn hóa của thị trường cao. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng sử dụng margin không quá nhiều. Tuy nhiên, trong vài phiên tới, nếu thị trường tiếp tục giảm mạnh, rất có thể khả năng bán tháo, margin call (buộc đóng lệnh) và forced sale (buộc bán tháo) chắc chắn xảy ra… "Đặc biệt, điều đáng ngại, theo tôi, là nhà đầu tư dùng tiền vay, huy động vốn của người thân… do thấy thị trường tăng nóng trong thời gian qua thì nay họ phải bán tháo kéo thị trường giảm sâu. Vấn đề là nhà đầu tư phải bình tĩnh quan sát thị trường" - ông Khánh nhận định.
Hiện tại, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index là 1.080 điểm đã bị phá vỡ, sắp tới ngưỡng 1.000 điểm cho trung hạn của VN-Index đã cận kề. Nếu như mất mốc này thì thị trường sẽ rất rủi ro và khó đoán.
Bình luận (0)