xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chứng khoán biến động bất thường?

THÁI PHƯƠNG

Tác động của chứng khoán phái sinh lên thị trường cơ sở thời gian qua là rất lớn, đang khiến thị trường bị méo mó, gây thiệt hại cho nhà đầu tư

Hơn một tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước chứng kiến những đợt biến động rất mạnh, đi ngược với xu hướng của thế giới, giá trị giao dịch ngày càng sụt giảm… khiến cả giới đầu tư lẫn chuyên gia đều ngỡ ngàng. Bởi kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định; biến động tỉ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) niêm yết vẫn làm ăn bình thường.

Những dấu hiệu bất thường

Trên các sàn chứng khoán, giá cổ phiếu giảm sàn liên tục, không ít mã giảm tới 40%-50% chỉ trong thời gian ngắn. Ngay cả DN niêm yết cũng không thể giải thích được vì sao giá cổ phiếu của DN mình lại sụt giảm mạnh như vậy. 

Trong khi đó, giao dịch trên TTCK phái sinh lại vô cùng nhộn nhịp, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tới 30.000 - 40.000 tỉ đồng, vài phiên lên tới 50.000 - 60.000 tỉ đồng. Dù đây chỉ là con số ảo bởi phái sinh có tính đòn bẩy và nhà đầu tư có thể đóng mở vị thế liên tục làm tăng giá trị giao dịch nhưng nhiều người vẫn cho rằng việc phái sinh quá sôi động đã khiến thị trường cơ sở trầm lắng và sụt giảm không phanh. Chưa kể, các hợp đồng phái sinh VN30F1M, VN30F2M… được tính dựa trên chỉ số VN30 nên biến động của thị trường phái sinh có thể tác động tiêu cực đến thị trường cơ sở.

Anh Ngọc Thanh - nhà đầu tư có hơn chục năm tham gia TTCK - đặt câu hỏi: "Phải chăng thị trường cơ sở đang bị tác động tiêu cực từ phái sinh, bởi khi cổ phiếu bị bán tháo ồ ạt cũng là lúc thị trường phái sinh lao dốc mạnh và ngược lại, có phiên VN30F1M được kéo lên kịch trần chỉ trong vài phút và cổ phiếu ở thị trường cơ sở cũng tăng mạnh là quá vô lý?".

Giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhìn nhận đúng là đang có những dấu hiệu bất thường trên thị trường phái sinh. 

"Về lý thuyết, phái sinh thể hiện tâm lý thị trường và đi theo thị trường cơ sở. Nhưng với thị trường Việt Nam, từ khi đưa vào hoạt động chứng khoán phái sinh đến nay đã xảy ra một số trường hợp tác động ngược, tiêu cực tới thị trường cơ sở. Ngoài ra, vừa qua, thị trường xuất hiện nhiều tin đồn, tin xấu dẫn đến cổ phiếu giảm sàn hàng loạt khiến nhà đầu tư lo sợ. Rất nhiều cổ phiếu bị dư bán sàn, nhất là cổ phiếu bất động sản, tạo thành làn sóng… từ đó, nhà đầu tư lớn kỳ vọng thị trường cơ sở giảm sâu nên họ đặt lệnh Short (bán khống) trên phái sinh để kiếm lời" - ông Minh phân tích.

Lý giải kỹ hơn, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng nếu ai đó muốn "làm trò" trên TTCK phái sinh cần phải có nguồn tiền và dòng tiền. Chẳng hạn, khi nhà đầu tư đặt lệnh Long (kỳ vọng giá lên) trên giao dịch phái sinh thì phải đồng thời mua vào cổ phiếu trên thị trường cơ sở thì mới hưởng lợi và ngược lại. 

Do đó, khi quy mô giao dịch của thị trường cơ sở xuống còn chưa tới 10.000 tỉ đồng thì lượng vốn cần để can thiệp vào thị trường cơ sở nhằm hưởng lợi trên phái sinh không phải là chuyện khó với các nhà đầu tư lớn. 

"Việc những nhà đầu tư đầu cơ trục lợi đang làm méo mó thị trường, làm nhà đầu tư trên thị trường cơ sở bị thiệt hại rất lớn. Từ đó, họ mất niềm tin trên TTCK, không tham gia hoặc đứng ngoài, khiến TTCK mất đi vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn của DN và nền kinh tế" - ông Hiền Phương nói thêm.

Các chuyên gia còn chỉ ra một vấn đề bất thường của TTCK thời gian qua là việc hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu cổ phiếu của lãnh đạo các DN niêm yết bị bán giải chấp liên tục do vi phạm tỉ lệ ký quỹ khiến áp lực giảm lây lan ra cả thị trường, dẫn tới những sự sụt giảm mạnh chưa từng có, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiệt hại nặng nề, "trở tay không kịp". Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định lãnh đạo các DN niêm yết là "ngọn hải đăng" của DN để các cổ đông, nhà đầu tư chọn lựa khi mua cổ phiếu. 

"Nhất cử nhất động của HĐQT và ban tổng giám đốc đều phải công bố thông tin nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư và cổ đông. Thời điểm chứng khoán tăng mạnh, không ít cổ phiếu của DN bất động sản không có kết quả kinh doanh đột biến, khả quan nhưng vẫn tăng liên tục, thậm chí lập đỉnh liên tiếp là quá vô lý. Do đó, cần phải có thêm quy định kiểm soát hoạt động mua bán cổ phiếu của các DN niêm yết để tránh trục lợi cổ phiếu, thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Chứng khoán biến động bất thường? - Ảnh 1.

Các chuyên gia và nhà đầu tư đều tin rằng biến động bất thường của thị trường phái sinh thời gian qua đã tác động tiêu cực tới thị trường chung. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kiểm soát chặt giao dịch phái sinh

Dưới góc độ một thành viên lâu năm của TTCK, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect, kiến nghị trong những giai đoạn thị trường giảm liên tục như vừa qua, ở một số nước cơ quan quản lý có thể áp dụng biện pháp cho tạm dừng thị trường phái sinh. Vì khi một lượng lớn nhà đầu tư đặt lệnh Short trên thị trường phái sinh, họ cũng sẽ bán cổ phiếu ở thị trường cơ sở từ đó tạo hệ lụy, tác động dây chuyền cho thị trường cơ sở và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, tới thị trường chung.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường phái sinh có cơ hội làm méo mó chứng khoán cơ sở, theo các chuyên gia, là do một số công ty chứng khoán đang cấp tỉ lệ ký quỹ (margin) cho nhà đầu tư tham gia phái sinh quá thấp. Ông Nguyễn Thế Minh cho biết hiện một số công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ margin để nhà đầu tư tham gia phái sinh với tỉ lệ chỉ 5%. Nghĩa là chỉ cần ký quỹ 5%, nhà đầu tư có thể vay tới 95% để giao dịch. Trong bối cảnh ai cũng nghĩ kiếm lời trên phái sinh dễ dàng khiến dòng tiền đổ vào đây tăng và sử dụng đòn bẩy rất lớn.

Chưa kể, giao dịch trên thị trường phái sinh là giao dịch T0 có thể mua bán ngay, thay vì thị trường cơ sở mua cổ phiếu phải chờ 2 ngày sau mới về tài khoản (T+2,5) có nhiều rủi ro. Do đó, cần sớm có giải pháp kiểm soát phái sinh để tránh thao túng, làm giá thị trường cơ sở, ổn định tâm lý nhà đầu tư và đưa TTCK phát triển lành mạnh, bền vững. 

"Giai đoạn năm 2015, TTCK Trung Quốc cũng từng xảy ra hiện tượng bất thường trên thị trường phái sinh buộc cơ quan quản lý nước này phải áp dụng hàng loạt biện pháp để giảm áp lực từ phái sinh. Thậm chí, tạm ngừng thị trường phái sinh vào một số thời điểm nhất định. 

Ở Việt Nam đã đến lúc phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để giảm tần suất giao dịch của phái sinh xuống, tăng tỉ lệ ký quỹ… Bởi việc đặt lệnh Short kiếm lời đang vô tình khiến thị trường cơ sở giảm sâu, thiệt hại không chỉ cho nhà đầu tư mà cả các quỹ đầu tư và DN. Ngoài ra, thị trường phái sinh có biến động lớn nên nhà đầu tư cũng rất dễ "cháy tài khoản" vì dùng đòn bẩy vốn quá mức" - ông Thế Minh nói.

Ông Trương Hiền Phương cũng đề xuất 3 giải pháp để chấn chỉnh chứng khoán phái sinh. Theo đó, nên kéo giãn thời gian lấy giá trung bình để tính cho giá hợp đồng phái sinh từ mức 30 phút cuối phiên (không tính phiên ATC) hiện nay tăng lên 1 giờ. Giải pháp này sẽ giảm việc can thiệp chỉ số trên thị trường cơ sở vì giao dịch lượng cổ phiếu liên tục trong 1 giờ cần chi phí lớn, lượng cổ phiếu lớn và không phải ai cũng có điều kiện để làm điều này. 

Đồng thời, tăng tỉ lệ ký quỹ lên 20%-30% để những người đầu tư trên phái sinh đúng nghĩa, bởi mục đích quan trọng nhất của phái sinh là bảo hiểm rủi ro lại khoản đầu tư trên thị trường cơ sở. Còn tiền ký quỹ phái sinh hiện nay chỉ 5% khiến nhà đầu tư nếu đặt lệnh thành công, giá cổ phiếu kéo từ sàn lên xanh mạnh hoặc trần sẽ kiếm lời cực lớn. Trong khi những nhà đầu tư cơ sở thì không khống chế được rủi ro vì mua xong 2 ngày sau cổ phiếu mới về T+2,5 nên độ rủi ro cao hơn nhiều. 

Cần có cơ chế phát hiện giao dịch đáng ngờ

Một giải pháp khác được các chuyên gia đề xuất là cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu cơ chế để phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Cụ thể, tìm những mối liên kết giữa nhà đầu tư trên thị trường cơ sở và phái sinh, nếu những tài khoản đó có dấu hiệu trục lợi cực lớn. Như đầu tư một khoản tiền cực lớn theo hợp đồng Short của phái sinh, đồng thời nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn có tác động đến rổ chỉ số và có bán ra tại cùng thời điểm giá giảm sâu... Khi đó, có thể xử lý theo dạng vi phạm, có yếu tố thao túng, làm giá, bóp méo thị trường để có biện pháp chế tài, xử lý mạnh. Như ở Mỹ, các giao dịch nội gián bị xử lý rất mạnh, trong đó có hành vi liên kết nhau để tạo lợi thế, trục lợi trên thị trường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo