Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đang quyết liệt hoàn thiện khung pháp lý cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng để cho ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS).
Bản chất của sân chơi tài chính cao cấp này được các chuyên gia nhận định là có rủi ro nhưng cũng khá hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT).
Sân chơi cao cấp
TS Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường của SSC, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng nghị định của Chính phủ về thị trường CKPS - cho biết khi thị trường chứng khoán cơ sở phát triển đến một mức nhất định thì nhu cầu cần thiết là phải hình thành các sản phẩm phòng vệ nhằm bảo hiểm rủi ro cũng như làm gia tăng lợi tức cho NĐT. Thực tế thời gian qua, thị trường đã manh nha hình thành những sản phẩm phái sinh như: quyền mua cổ phần, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, các giao dịch chỉ số...
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng thị trường CKPS ra đời sẽ giải quyết được chuyện về giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khi có thị trường CKPS, NĐT nước ngoài có thể đầu tư vào những hợp đồng quyền chọn chứ không cần tham gia vào thị trường cổ phiếu. Điều này kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sôi động hơn.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng để thị trường CKPS phát triển và vận hành ổn định thì yêu cầu cơ bản là tài sản trên thị trường chứng khoán cơ sở phải được định giá đúng, nếu không sẽ làm tổn thất cho NĐT bởi một thị trường đang còn nhiều cổ phiếu bị làm giá, bị thâu tóm thì không tốt cho thị trường CKPS.
“Thế giới đã có thống kê và cho kết quả 85% NĐT tham gia thị trường CKPS là để đầu cơ. Vì vậy, nếu kiểm soát tốt thì đây là sân chơi hấp dẫn. Ngược lại, nó sẽ có “tác dụng ngược” bởi khi đó, thị trường CKPS bị biến thành nơi trú ngụ cho dòng vốn “nóng” của các NĐT nước ngoài vì họ có thể lợi dụng việc tham gia thị trường để rút vốn nhanh, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối” - TS Lê Đạt Chí nói.
TS Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, cũng thừa nhận về sự rủi ro của thị trường CKPS. Theo ông Sinh, xét về cơ bản, thị trường CKPS và thị trường chứng khoán cơ sở hoạt động như một bình thông nhau. Dòng vốn có thể luân chuyển qua lại, như thế mới thu hút NĐT.
Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam không đủ lớn, muốn trải thảm đỏ để kêu gọi NĐT nước ngoài thì họ cũng không tham gia. Thị trường CKPS ra đời cũng một phần vì điều đó. Để có thể vận hành tốt thị trường mới mẻ này thì Việt Nam phải đầu tư hệ thống công nghệ thật tốt, đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh mới có thể đáp ứng nhu cầu.
Không phải ai cũng được tham gia
Điều mà nhiều người đang quan tâm là dự thảo được SSC công bố đã có sự điều chỉnh tăng “độ khó” đối với các công ty chứng khoán. Theo đó, công ty chứng khoán muốn tham gia môi giới trên thị trường CKPS phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỉ đồng trở lên và vốn hoạt động trên 800 tỉ đồng.
Ngoài ra, các chỉ tiêu về an toàn vốn, an toàn tài chính, công nghệ, nhân sự… cũng phải đáp ứng nhu cầu. Như vậy, với các tiêu chí này thì số lượng công ty chứng khoán đáp ứng nhu cầu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều chuyên gia cho rằng đã là sân chơi cao cấp thì phải chấp nhận có sự sàng lọc. Điều kiện tiên quyết khi vận hành thị trường CKPS là bảo đảm kiểm soát được các vấn đề liên quan đến ký quỹ, thanh toán, cơ chế bảo đảm thanh toán, giám sát việc thao túng giữa thị trường phái sinh với thị trường cơ sở...
Có như vậy mới xử lý được các trường hợp NĐT, công ty chứng khoán bị vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản.
Theo TS Nguyễn Sơn, ngay trong quyết định phê duyệt đề án xây dựng và phát triển thị trường CKPS được Thủ tướng phê duyệt đã thể hiện rõ quan điểm thận trọng, định hướng phát triển thị trường từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm được khả năng quản lý, giám sát đối với những rủi ro.
Đó cũng là lý do vì sao khung pháp lý về thị trường CKPS trước mắt chưa cần thiết phải xây dựng dưới hình thức văn bản luật mà chỉ cần nghị định của Chính phủ, sau thời gian triển khai thực hiện, có sự đánh giá, tổng kết để luật hóa khi xây dựng Luật Chứng khoán giai đoạn 2 vào năm 2017.
Tại Việt Nam, thời gian qua đã có vài công ty chứng khoán âm thầm đưa ra sản phẩm phái sinh trên thị trường, như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai... Do đây là các hoạt động riêng lẻ, không có khung pháp lý, khả năng rủi ro khi “nhà cái” vỡ nợ là rất cao nên bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.
Mới đây nhất là công ty chứng khoán B., bị phạt 200 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ tài chính khi chưa có quy định hướng dẫn. Trước đó, một số công ty cũng bị xử lý vi phạm vì triển khai các dịch vụ tương tự.
Nhiều công ty bị “tuýt còi”
Tại Việt Nam, thời gian qua đã có vài công ty chứng khoán âm thầm đưa ra sản phẩm phái sinh trên thị trường, như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai... Do đây là các hoạt động riêng lẻ, không có khung pháp lý, khả năng rủi ro khi “nhà cái” vỡ nợ là rất cao nên bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.
Mới đây nhất là công ty chứng khoán B., bị phạt 200 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ tài chính khi chưa có quy định hướng dẫn. Trước đó, một số công ty cũng bị xử lý vi phạm vì triển khai các dịch vụ tương tự.
Bình luận (0)