Đến cuối ngày, áp lực chốt lời khiến đà tăng của thị trường thu hẹp. Tuy vậy, VN-Index vẫn tăng tới 15,81 điểm (+1,34%) lên 1.194,14 điểm; HNX-Index tăng 4,38 điểm (+1,56%), lên 288,81 điểm; UpCom-Index tăng 0,99 điểm (+1,13%) lên 88,88 điểm. Tiền đổ mạnh vào thị trường giúp giá trị giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM tăng mạnh hơn 30% so với phiên trước, đạt hơn 17.000 tỉ đồng. Riêng sàn HoSE giá trị giao dịch khớp lệnh đạt trên 14.000 tỉ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng quay lại mua ròng hơn 290 tỉ đồng sau nhiều ngày liên tục bán nhiều hơn mua.
Trong ngày, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản, xây dựng bứt phá mạnh nhất khi nhà đầu tư kỳ vọng việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thị trường chứng khoán khởi sắc sẽ giúp các doanh nghiệp ở những ngành này kinh doanh tốt hơn. Trong đó, một số mã bất động sản, đầu tư công tăng hết biên độ, như: HBC, SCR, TDC, HQC, LDG,..
Theo các chuyên gia kinh tế và chứng khoán, chính những nhận định tích cực hơn về triển vọng kinh tế trong nước và ngoài nước thời gian gần đây đã giúp các nhà đầu tư phần nào tin tưởng thị trường chứng khoán đã chạm đáy và đang dần hồi phục. Điển hình là những ngày qua chứng khoán Mỹ và các thị trường lớn khác không còn giảm sâu mà còn đảo chiều tăng mạnh khi đối mặt với các thông tin về lạm phát, tăng lãi suất…
Báo cáo mới đây của Quỹ đầu tư VinaCapital đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%. Thậm chí quỹ đầu tư này còn tin tưởng GDP quý III của Việt Nam có khả năng vượt hơn 10%. VinaCapital đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP hằng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh. Đây được xem là thông tin tác động tích cực nhất với các nhà đầu tư trong ngày 20-7.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn gặp phải áp lực chung với thế giới đó là lạm phát, suy thoái… Tuy nhiên, ở trong nước, kinh tế Việt Nam đã có những dấu ấn riêng, tăng trưởng GDP thuộc hàng đầu trên thế giới, lạm phát ở mức không quá kinh khủng so thế giới thì thị trường chứng khoán không thể quá xấu được. Chưa kể, mức định giá của chứng khoán thế giới hiện rất cao, còn thị trường Việt Nam chỉ 12-13 lần được xem là quá rẻ để đầu tư dài hạn. VN-Index đã 4 lần kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.150 điểm, vì vậy thị trường sẽ khó giảm thêm.
"Chứng khoán là thị trường của kỳ vọng, khi tâm lý sợ sệt, lo ngại vẫn còn thì thị trường khó tăng. Tuy nhiên, khi mọi sự thận trọng, nghi ngờ qua đi, yếu tố giảm sẽ không nhiều so với khả năng tăng. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách nên khi mọi thứ ổn định, giá cổ phiếu có thể "chạy" bất cứ khi nào. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ hội để đầu tư trung dài hạn thay vì luôn lo lắng, sợ sệt" - ông Tuấn nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, nhận định dù chứng khoán đang có tín hiệu tốt từ việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng nhưng thị trường hiện nay không phải cứ "mua là thắng" như năm ngoái. Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định đầu tư, nếu không sẽ thua lỗ rất nặng như thời gian qua. "Những phiên hồi phục ngắn hạn mang tính chất kỹ thuật có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nhưng năm 2023 mới là cơ hội thực sự kinh tế hồi phục ổn định, dòng tiền mạnh và cơ hội nâng hạng thị trường rõ ràng hơn" - chuyên gia này nêu quan điểm.
Bình luận (0)