Thị trường chứng khoán Trung Quốc lần thứ hai trong tuần này phải đóng cửa sớm do chỉ số CSI300 tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A giảm quá mức 7% đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
“Rung lắc” theo Trung Quốc
Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 8-1, VN-Index có ngày giảm điểm thứ 2 liên tiếp với mức giảm khá sâu. Theo đó, VN-Index mất 5,31 điểm, dừng ở mức 560,05 điểm. HNX-Index cũng giảm thêm 0,74 điểm, còn 76,41 điểm. Cả hai sàn có tổng cộng 290 mã giảm, 123 mã tăng và 130 mã đứng giá. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 2.380 tỉ đồng, so với phiên liền trước đó thì giá trị này giảm 15%. Như vậy, trong tuần đầu tiên của năm 2016, VN-Index chỉ có 1 phiên tăng điểm, còn lại cả 4 phiên đều chìm trong sắc đỏ với tổng mức giảm 19,4 điểm, tương ứng 2,6%.
Ông Bùi Vĩnh Thiện, chuyên viên phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng thực tế thị trường trong nước có ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như thế giới. Tuy nhiên, phần lớn việc giảm mạnh trong 2 phiên ngày 7 và 8-1 là do các mã chứng khoán thuộc dòng đầu cơ bị bán giải chấp margin (đòn bẩy tài chính).
“Mặc dù giảm điểm nhưng lượng tiền bắt đáy vẫn hỗ trợ thị trường ở ngưỡng 555-560 điểm của VN-Index. Lượng cổ phiếu lớn nhà đầu tư mua bắt đáy 2 ngày vừa qua về tài khoản trong tuần sau sẽ là chỉ báo quan trọng, phản ánh tâm lý thị trường có chấp nhận vùng giá này là hợp lý hay chưa, đồng thời cũng cho thấy sức mạnh dòng tiền đứng ngoài chờ đợi cơ hội có sẵn sàng tham gia thị trường hay không” - ông Thiện nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí cho rằng do mức độ hội nhập của Việt Nam hiện đã sâu rộng nên tâm lý nhà đầu tư lây lan rất nhanh. Điều này lý giải vì sao chứng khoán Việt Nam “lao dốc” trước cảnh thị trường Trung Quốc và thế giới ồ ạt bán tháo cổ phiếu.
Lo cho dòng vốn ngoại
Theo TS Lê Đạt Chí, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh một phần do một số chỉ dấu cho thấy nền kinh tế nước này suy yếu, cụ thể là chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) liên tục giảm. “Điều đó cho thấy giấc mơ tăng trưởng cao của Trung Quốc đã không còn, trong khi nước này đang là “công xưởng” của thế giới khiến giới đầu tư toàn cầu phải lo lắng. Còn ở Việt Nam, điều quan trọng nhất bị ảnh hưởng chính là tỉ giá - tác động rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài” - ông Chí lý giải.
Đồng tình với quan điểm này, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng khi kinh tế Trung Quốc bất ổn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, chắc chắn tỉ giá USD/VNĐ sẽ không ổn định. Điều này tác động rất lớn đến dòng vốn trực tiếp và gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Nói về khả năng dòng vốn đầu tư của các nước có thể bỏ Trung Quốc sang Việt Nam, ông Bùi Vĩnh Thiện cho rằng cần thêm thời gian quan sát mới thấy được dòng tiền này có dịch chuyển sang Việt Nam hay không. Bởi vẫn còn nhiều thị trường khác hấp dẫn hơn. Trong khi đó, một số quỹ đầu tư cho rằng họ có ý định thanh lý danh mục tại Việt Nam.
“Thực tế cho thấy trong tuần vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên sàn TP HCM với tổng giá trị khoảng 169 tỉ đồng. Ngược lại, khối này liên tục mua ròng trên HNX từ phiên đầu năm đến hiện tại khoảng 71 tỉ đồng. Tính tổng cả tuần, khối này bán ròng trên cả 2 sàn khoảng 98 tỉ đồng. Như vậy, lực đỡ cho thị trường trong tuần đầu tiên đến chủ yếu từ dòng vốn nội thuần của nhà đầu tư trong nước” - ông Thiện dẫn chứng.
Nhiều thử thách trong năm 2016
Ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc thường trực Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), cho rằng hiện nay rất khó đoán về diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2016 nhưng với những gì diễn ra vừa qua cho thấy nhiều khả năng thị trường sẽ có nhiều thử thách hơn năm 2015 bởi vì đang có nhiều quan ngại về một cuộc suy thoái đang chờ đợi phía trước.
Bình luận (0)