Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16-1, mặc dù VN-Index giảm nhẹ 0,51 điểm nhưng nhìn lại 2 tuần đầu của năm 2018 có thể thấy thị trường chứng khoán đã có một cú đột phá ngoạn mục, giới đầu tư hào hứng. VN-Index đã đi từ 984,24 điểm ở phiên cuối năm 2017 lên gần 1.063 điểm, tức tăng gần 80 điểm. HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng tăng từ 116,86 điểm lên 121,59 điểm chỉ trong vòng 11 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018.
Dòng vốn rất lớn đã đổ vào thị trường chứng khoán trong những ngày đầu năm 2018 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giá trị giao dịch của thị trường cũng tăng đáng kể, từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng của năm 2017 vọt lên 8.000 - 9.000 tỉ đồng/phiên trong những ngày gần đây, thậm chí có phiên còn vượt mốc 10.000 tỉ đồng. Rất nhiều nhà đầu tư không ngần ngại đổ thêm tiền vào các cổ phiếu. Điều này làm dấy lên lo ngại về "bong bóng" thị trường như đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, khi VN-Index đạt đỉnh hơn 1.170 điểm.
Nhận định điều này, các chuyên gia tài chính cho rằng nền kinh tế hiện nay tăng trưởng hoàn toàn khác với bối cảnh của hơn 10 năm trước. Nền kinh tế đã vào chu kỳ tăng trưởng mới với GDP tăng mạnh, lạm phát thấp, tiền đồng ổn định; hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) tốt hơn… Đặc biệt, dòng vốn FDI đạt con số kỷ lục và hứa hẹn tiếp tục gia tăng trong năm 2018.
Có người còn dự báo VN-Index có thể bùng nổ lên mức 1.200 điểm, thậm chí cao hơn trong quý I/2018 cũng không có gì là lạ. Bởi thông thường, thời điểm đầu năm dương lịch là lúc các nhà đầu tư có thể thu được tiền từ các nguồn khác nhau và tâm lý hứng khởi mua chứng khoán ăn Tết đã tạo thành xu hướng của thị trường nên dẫn đến việc tăng điểm đáng kể của VN-Index.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, cho rằng tăng trưởng của thị trường chứng khoán hiện nay có nhiều điểm khác với giai đoạn 2007-2008. Khi đó quy mô thị trường quá nhỏ, chỉ tầm 100 cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu lại quá cao, có mã lên tới 600.000 đồng/cổ phiếu là chuyện thường. Nhiều cổ phiếu tăng giá bất chấp và liên tục, nhà đầu tư không thể hiểu được. Dòng vốn đổ vào thị trường thời đó đến từ mọi nơi, "người người, nhà nhà chơi chứng khoán", từ các DN tư nhân, DN nhà nước đầu tư ngoài ngành "rủ" nhau rót tiền mua cổ phiếu tràn lan, gia tăng tình trạng sở hữu chéo, "bong bóng" tài sản. Khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra thì tất cả cổ phiếu đồng loạt lao dốc.
Trong khi đó hiện nay, quy mô vốn hóa thị trường đã rất lớn, gấp nhiều lần so với 10 năm trước. Thị trường cũng chỉ mới đang ở giai đoạn hồi phục nhưng đã có sự phân hóa đáng kể, tăng điểm dựa nhiều vào các cổ phiếu của DN làm ăn tốt, còn những cổ phiếu "xấu", DN làm ăn thua lỗ… vẫn lẹt đẹt dưới mệnh giá. Ngoài ra, không phải nhà đầu tư nào tham gia thị trường cũng thắng mà vẫn có nhiều người thua lỗ vì chọn sai cổ phiếu hoặc đánh giá không đúng xu hướng thị trường.
Trái ngược với quan điểm trên, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng Phòng Đầu tư cá nhân - Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận xét thị trường đang tăng nóng. Ông Lân cho rằng thị trường đang được hỗ trợ bởi 2 yếu tố: khối ngoại và dòng vốn margin (ký quỹ). "Khối ngoại giao dịch ròng rất mạnh kể từ sau Giáng sinh 2017 và điều quan trọng hơn là họ vừa mua ròng vừa sẵn lòng đẩy giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn (large cap) như VIC, PLX, MSN, VCB... để kéo VN-Index lên cao. Thứ hai là dòng vốn margin, tôi nghĩ cũng đang ở mức cao, dù không có số liệu cụ thể. Lý do là nhiều công ty chứng khoán đang liên tục thiếu nguồn vốn cho vay, họ phải phát hành cả trái phiếu lẫn cổ phiếu để cân đối nguồn vốn. Dòng tiền này nếu có số liệu và đem so sánh với giá trị giao dịch bình quân 1 kỳ nào đó (tuần, tháng), theo tôi là rất cao. Điều này rất rủi ro" - chuyên gia này nhận định.
Một chuyên gia tài chính - chứng khoán khác cho rằng khi thị trường tăng mạnh, nhanh thì rủi ro khi điều chỉnh là tất yếu. Việc điều chỉnh ngắn hay dài tùy thông tin và tâm lý nhà đầu tư nhưng xu hướng chung vẫn là tích cực.
Tăng tỉ lệ ký quỹ là cần thiết
Liên quan đến việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa có văn bản gửi các công ty chứng khoán góp ý dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 87, đưa tỉ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) từ mức 50% lên 60%, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết mục tiêu của việc này là để hỗ trợ thị trường tăng trường bền vững, tăng cường quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán.
Hiện tại, theo ông Dũng, tổng dư nợ ký quỹ của các công ty chứng khoán tài trợ cho thị trường là khoảng 38.000 tỉ đồng, dù tăng 50% so với năm 2016 nhưng chỉ chiếm 1% vốn hóa thị trường. Trong khi ở các nước khác tỉ lệ này là 2%. Tại Việt Nam, dòng vốn để cho vay giao dịch ký quỹ của các công ty chứng khoán không chỉ từ vốn của ngân hàng mà từ các nguồn khác. Tuy nhiên, việc gia tăng tỉ lệ cho vay margin cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ an toàn của hệ thống nên việc tăng tỉ lệ là cần thiết.
Bình luận (0)