Trước đó, thị trường mở cửa khá tích cực khi rào cản thông tin cuối cùng về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc. Rất nhiều mã cổ phiếu bật tăng ngay từ đầu phiên, đặc biệt là nhóm chứng khoán, bất động sản.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đầu phiên chịu sức ép của mã MWG (Thế giới Di động), VIC, MSN… giảm khá mạnh nhưng sau đó cũng đảo chiều hồi phục theo đà đi lên của các nhóm cổ phiếu khác.
VN-Index chốt phiên sáng tăng 15,74 điểm, tương đương +1,51%, lên mức 1.055,4 điểm. Thanh khoản trên 2 sàn niêm yết cũng tăng 22%, đạt mức cao nhất 5 ngày.
Bước vào phiên chiều, thị trường thật sự bùng nổ khi lệnh mua đổ vào ngày càng lớn, nhất là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường với nhiều mã tăng kịch trần, khởi đầu là NVL của Novaland đón nhận thông tin được đưa ra khỏi diện cảnh báo từ 3-11.
Nhóm cổ phiếu bất động sản bùng nổ sau nhiều phiên giảm mạnh. Ảnh: Vũ VInh
Từ NVL lan rộng ra, các mã khác cũng tăng kịch trần như DXG, DIG, PDR, CII, NLG, HDC… Tiếp sau đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, thép cũng có rất nhiều mã tăng hết biên độ.
Tính chung toàn sàn HoSE, có tổng cộng 516 mã cổ phiếu tăng giá, trong đó 82 mã tăng hết biên độ. Ngay cả các mã vốn hóa lớn như SAB (Sabeco) cũng tăng trần gần 7%, lên 61.400 đồng/cổ phiếu.
Sàn HNX tới cuối giờ có đến 111 mã tăng giá kịch trần (10%) trong tổng số 176 mã tăng giá của sàn này.
Kết phiên, VN-Index tăng 35,81 điểm (+3,44%), đóng cửa ở mức cao nhất phiên tại 1.075 điểm; HNX-Index cũng tăng tới 8,32 điểm, tương đương 3,97%, lên 217,97 điểm và UpCoM-Index tăng 2,78%, lên 83,97 điểm. Đây cũng là phiên tăng điểm mạnh nhất từ đầu năm của các chỉ số này.
Thanh khoản thị trường đạt mức khá với hơn 14.637 tỉ đồng ở sàn HoSE. Tuy nhiên, khối ngoại lại tiếp tục bán ròng gần 160 tỉ đồng, tập trung vào các mã MWG, VHM, VRE...
Chứng khoán Việt Nam lọt vào nhóm những thị trường tăng mạnh nhất thế giới ngày 2-11.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối phân tích - Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định về mặt kỹ thuật, sau khi thị trường đã giảm mạnh trong những ngày qua thì dù với 2 phiên phục hồi vừa qua vẫn cần phiên kiểm tra lại mốc tâm lý quanh vùng 1.020 điểm.
Có điều, với thanh khoản thị trường duy trì ở quanh vùng 15.000 – 20.000 tỉ đồng/phiên như hiện nay, VN-Index có thể đã xác lập đáy trong vòng 12 tháng tới.
Với mặt bằng lãi suất như hiện tại - chỉ quanh mức 5-6%/năm trong 12 tháng tới thì đầu tư vào chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn. Chưa kể, đánh giá về triển vọng trong vòng 3-6 tháng tới, lãi suất sẽ tiếp tục trì ổn định, thậm chí phải giảm thêm để hỗ trợ thị trường.
"Quan trọng nhất với thị trường chứng khoán hiện tại là đánh giá tâm lý của các nhà đầu tư, thay vì đứng ngoài chờ đợi như những phiên vừa qua. Trong 3 tháng tới, triển vọng của thị trường là tích cực" - ông Thành nhận xét.
Ông Võ Kim Phụng, Phó Phòng phân tích - Công ty chứng khoán BETA, cho rằng do tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền thận trọng khiến thanh khoản thị trường suy giảm, thậm chí có lúc về mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng trở lại đây. Nhưng về dài hạn là lạc quan với VN-Index khi triển vọng kinh tế vĩ mô nhờ sự hỗ trợ bởi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng.
Triển vọng tăng trưởng nhiều ngành nghề và doanh nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong năm 2024. Từ đó, sớm thu hút dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán và xu hướng tăng dài hạn sẽ sớm trở lại trạng thái tích cực trong thời gian tới.
Bình luận (0)