Chỉ số Dow Jones và S&P500 của Mỹ mới đây vượt 27.000 điểm và 3.000 điểm, đạt mức cao nhất trong lịch sử, bất chấp thương chiến Mỹ - Trung leo thang. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều tháng trở lại đây vẫn ì ạch, thanh khoản thấp, nhà đầu tư chán nản dù các yếu tố kinh tế trong nước vẫn rất tích cực.
Giao dịch giảm mạnh
Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây cho thấy 6 tháng đầu năm 2019 khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt 172,3 triệu chứng khoán/ngày, tương ứng với giá trị 3.930 tỉ đồng/ngày, giảm khoảng 14,6% về khối lượng và 29,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài giảm tới gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 201 triệu cổ phiếu, tương ứng với khoảng 10.100 tỉ đồng.
Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị giao dịch bình quân trong 6 tháng đầu năm cũng giảm tới 54% so với cùng kỳ, đạt khoảng 451 tỉ đồng/phiên. Tương tự, giá trị giao dịch trên UPCoM cũng giảm mạnh 32%, với bình quân mỗi phiên đạt 290 tỉ đồng.
Hiện VN-Index tính đến chiều 19-7 đang ở mức 982 điểm, HNX-Index 107 điểm, tức chỉ cách mốc 1.000 điểm không xa nhưng hầu hết các công ty chứng khoán vẫn khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, hạn chế giao dịch vì thanh khoản thấp, thiếu thông tin hỗ trợ... Thực trạng này càng khiến giới đầu tư chán nản, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn đã thua lỗ rất lớn từ năm 2018 đến nay nên không còn vốn cũng như tâm trạng để giao dịch tiếp. Ghi nhận tại một số sàn giao dịch, rất nhiều người còn "ôm" cổ phiếu từ lúc VN-Index tái lập mốc 1.000 điểm hồi đầu năm 2018.
"Tôi lỡ mua HBC hồi giá trên 42.000 đồng/cổ phiếu, dù công ty có chia cổ phiếu thưởng, cổ tức nhưng vẫn lỗ trên 45% vì giá mỗi cổ phiếu HBC hiện còn chưa tới 15.000 đồng. Hơn nửa tỉ đồng, giờ chỉ còn khoảng 200 triệu đồng. Bán thì tiếc, mua thêm lại sợ nên tôi chỉ còn biết ngồi chờ, mong khi nào cổ phiếu được giá sẽ bán để thu hồi vốn" - chị Hồng Hoa, nhà ở quận Bình Tân, TP HCM, tâm sự.
Thị trường chứng khoán èo uột, người buồn không kém chính là những môi giới chứng khoán. Minh Ng., trưởng nhóm môi giới một công ty chứng khoán quy mô tương đối lớn tại TP HCM, cho biết thu nhập của cô mấy tháng nay giảm 70% so với trước. "Hơn 1 năm nay hầu như nhà đầu tư nào cũng lỗ nên họ ngại giao dịch. Chúng tôi không thể ép khách hoặc tư vấn cho họ mua, bán theo ý mình để ăn hoa hồng được. Làm như vậy không có đạo đức, mà phải hỗ trợ họ tìm thời điểm bán ra tốt nhất để giảm lỗ" - Minh Ng. chia sẻ.
Thực tế, trước thực trạng thị trường ảm đạm, thu nhập giảm, một số môi giới đã bắt đầu bỏ việc để chuyển sang nghề khác để có mức lương ổn định hơn. Những người ở lại thì đang kỳ vọng thị trường sẽ sớm khởi sắc, nhà đầu tư quay trở lại. "Chúng tôi cũng có tư vấn về chứng khoán phái sinh hay chứng quyền có bảo đảm với mức lãi cao hơn ngân hàng nhưng số nhà đầu tư thực sự quan tâm đến những sản phẩm này không nhiều, nên mỗi tháng chỉ được lương cứng còn hoa hồng từ môi giới rất thấp. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn nhiều nhân viên môi giới sẽ không trụ nổi" - Thanh D., một nhân viên môi giới chứng khoán chia sẻ.
Giao dịch èo uột, thanh khoản giảm tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Yếu tố đầu cơ quá lớn
Chuyên gia tài chính - chứng khoán Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng có nhiều yếu tố khiến giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam èo uột. Cụ thể, Việt Nam thời gian qua gây được sự chú ý với nhà đầu tư nhờ một loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực hoặc vừa được ký, mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế. Tuy vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại mang đến nhiều thách thức. Chưa kể, câu chuyện về nâng hạng thị trường từng được nói rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Rồi chứng quyền có bảo đảm đến nay mới triển khai. Chính những yếu tố trên làm cho nhà đầu tư lớn trên thế giới cảm thấy chúng ta thường chậm trễ, nên họ mất dần niềm tin. Trong khi những nhà đầu tư ở lại đa phần là quỹ đầu tư nhỏ và vừa. Ngoài ra, thời gian qua, yếu tố đầu cơ trên thị trường quá lớn, một số mã chứng khoán tăng vô lý hoặc giảm mạnh... làm cho các nhà đầu tư thực sự không tin vào khả năng ổn định giá cổ phiếu.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Everest, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố tích cực, nhiều kỳ vọng phát triển trong thời gian tới. Nhưng trạng thái bi quan của thị trường có lẽ thuộc về chính sách phát triển kinh tế và quá trình thực thi chính sách. Nếu được Chính phủ thúc đẩy, quan tâm các nhà đầu tư thế giới sẽ chú ý và gia tăng đầu tư vào Việt Nam ở nhiều khía cạnh, bao gồm cả thị trường chứng khoán.
Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thừa nhận nhiệm vụ cải thiện thị trường chứng khoán thời gian tới rất nặng nề, tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính như tăng cung hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Bình luận (0)