Phiên giao dịch ngày 26-11, thị trường chứng khoán trong nước bất ngờ giảm mạnh, thủng mốc 1.000 điểm một cách dễ dàng đã khiến hàng trăm cổ phiếu trên sàn rớt giá bất kể tốt xấu. Nhiều nhà đầu tư ngơ ngác chưa hiểu chuyển gì đã xảy ra. Bởi, kinh tế trong và ngoài nước những ngày qua gần như không có thông tin nào tiêu cực.
Thị trường chứng khoán ngày 26-12 sụt giảm mạnh khiến nhà đầu tư lo lắng. Ảnh: Hoàng Triều
Lý giải cho sự sụt giảm bất ngờ này, một lãnh đạo phụ trách mảng đầu tư của Công ty Chứng khoán ACBS nhận định một số nguyên nhân làm thị trường giảm điểm mạnh là việc nhà đầu tư lo ngại kinh tế thế giới có thể rơi suy thoái và thông tin chưa chính thức về việc Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đang xem xét bán một số khoản đầu tư tại Việt Nam, trong đó có nhóm cổ phiếu Vingroup, Masan và vài công ty khác. Điều này làm cho nhà đầu tư trong và ngoài nước hoảng sợ bán tháo cổ phiếu.
Bên cạnh đó, tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh quý IV/2022 của doanh nghiệp cũng khiến các nhà đầu tư thận trọng khi nắm giữ cổ phiếu. Nhiều người muốn thu tiền về để làm việc khác khiến dòng tiền trên thị trường sụt giảm mạnh, dễ xuất hiện những đợt bán tháo.
Ở góc độ khác, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), cho rằng sau khi thị trường hồi phục lên sát 1.100 điểm, nhiều nhà đầu tư có tâm lý chốt lời ngắn hạn dẫn đến việc VN-Index liên tục rung lắc không còn động lực để tăng tiếp.
Việc thị trường ngang sau gần 10 phiên và áp lực bán liên tục xuất hiện khiến cho tâm lý của nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, họ có xu hướng nâng cao tỉ trọng tiền mặt đợi chờ diễn biến mới của thị trường. Điều này đã làm cho thanh khoản thị trường ngày một sụt giảm và việc rớt giá sàn của hàng loạt cổ phiếu ngày 26-12 khi dòng tiền không còn hào hứng tham gia.
Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Thoại, chuyên viên phân tích Công ty CP Chứng khoán Thành Công (TCSC), nêu 2 lý do chính khiến thị trường bị bán tháo trong phiên này.
Thứ nhất là vấn đề nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động giải ngân của khối này đã nchậm lại trong thời gian gần đây sau khi mua ròng 7 tuần liền tiếp với giá trị gần 30.000 tỉ đồng, làm dấy lên lo ngại các quỹ sẽ dần thanh lý vị thế vào những ngày cuối năm
Thứ hai là vấn đề tâm lý nhà đầu tư, đà bán tháo xảy ra chủ yếu ở các nhà đầu tư nhỏ lẻ với tâm lý "mua đuổi" giai đoạn thị trường hồi mạnh từ vùng đáy 880 – 900 và đặc biệt đây cũng là nhóm nhạy cảm với những thông tin thị trường liên quan đến hoạt động bắt giữ và tình hình trái phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản cho nên khi thị trường có những nhịp điều chỉnh cộng với thông tin xuất hiện trên thị trường thì áp lực bán sẽ hình thành cho đến khi các tin tức bắt đầu lắng xuống hoặc được xác thực lại.
Bình luận (0)