Tại buổi Công bố Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12-2020 chiều 21-12, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi quanh việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ "dán nhãn" thao túng tiền tệ.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk - cho biết trước việc này, Chính phủ Việt Nam có thể nghĩ tới những khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới ở những lĩnh vực khác, ví dụ như giá cả của hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, còn có nhiều cách khác nền kinh tế Việt Nam có thể trở nên cạnh tranh hơn trong giai đoạn hiện nay.
"Điểm tốt trong bối cảnh khó khăn hiện nay là Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, các công xưởng vẫn đang sản xuất và nền kinh tế vẫn đang xuất khẩu… Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay, một số công ty trên toàn cầu đã nghĩ đến việc chuyển sản xuất sang Việt Nam trong khi các quốc gia khác đang vật lộn với Covid-19, các nhà máy gặp khó khăn để tiếp tục hoạt động trong bối cảnh phong tỏa. Chính phủ Việt Nam cần tranh thủ giai đoạn này, khi Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh, có thể suy nghĩ đến một số cải cách mang tính cơ cấu, một số hoạt động và đầu tư mà Việt Nam có thể thực hiện để đảm bảo quá trình phục hồi sau đại dịch một cách chắc chắn"- bà Carolyn Turk phân tích.
Tuy nhiên, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng lưu ý hiện Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, nhưng ở một thời điểm nhất định, khi vắc-xin Covid-19 triển khai ở tất cả các quốc gia và các quốc gia khác cũng có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19 thì lợi thế đó sẽ không còn. "Làm sao để Việt Nam có thể duy trì khả năng cạnh tranh trong thời gian tới, trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19" - bà Carolyn Turk nói và cho biết WB có một số khuyến nghị để Việt Nam có thể phục hồi xanh và mạnh, bảo đảm quá trình phục hồi theo hướng tăng trưởng xanh.
"Chính phủ đang thúc đẩy mạnh đầu tư công một cách cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, đây là chiến lược khôn ngoan, khi nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng, song chúng ta có thể đi một bước xa hơn và xác định đâu là những đầu tư có khả năng thúc đẩy phục hồi xanh. Ngoài ra, cũng có thể nghĩ đến những cải cách về tài khóa để thúc đẩy những hoạt động xanh…"- tân Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam gợi ý.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho rằng giai đoạn này, Việt Nam có cơ hội suy nghĩ nhiều hơn về một số chính sách của mình, đơn cử như chính sách về tỉ giá hối đoái. "Thế giới những tháng vừa qua có nhiều biến động về tiền tệ, như đồng EURO, USD, Yen, đây cũng có thể là dịp để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam suy nghĩ xem đồng tiền nào Việt Nam muốn chú trọng trong thực hiện điều chỉnh dự trữ, có thể suy nghĩ đến việc đa dạng hóa, đưa ra chiến lược trên cơ sở xem xét những đối tác khác, điểm đến khác về đầu tư, thương mại"- chuyên gia này phân tích.
Ông Jacques Morisset cũng cho rằng đây có thể là thời điểm Việt Nam có thể suy nghĩ về chính sách thương mại. "Việt Nam là một nước mở cửa, nền kinh tế liên quan mật thiết đến xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, trong thời gian dịch Covid-19, chúng ta có thể xem xét việc khai thác số hóa, những công nghệ ngày càng quan trọng, phải loại bỏ một số rào cản thương mại đối với dịch vụ. Trong thách thức có cơ hội, Việt Nam có thể tăng tốc một số chính sách, một số cải cách để ứng phó với thách thức tốt hơn"- ông gợi ý.
Ông Đôn Tấn Phong, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ cần làm việc lại với nhau kỹ hơn để nhìn nhận bối cảnh 25 năm qua, từ sau khi bình thường hoá, quan hệ thương mại giữa hai nước tăng lên rất nhanh. Bên cạnh đó, cần nhìn vào cơ cấu thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Mỹ để đánh giá một cách rõ ràng hơn về vấn đề này. Cơ cấu thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau rất rõ, không phải cạnh tranh trực diện. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp của Mỹ có khi lại hưởng lợi nhiều hơn.
"Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năng lực cạnh tranh được nhìn nhận cũng khác trong bối cảnh bình thường. Ứng phó với đại dịch của Việt Nam khiến sự cạnh tranh được nâng lên tương đối so với các nền kinh tế khác. Có thể thấy năng lực ứng phó, hiệu quả ứng phó, tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch… nên Việt Nam có thể đã là điểm đến của đầu tư nước ngoài khá lớn. Với việc đầu tư lớn, trong bối cảnh chính sách của Việt Nam không sử dụng ngoại tệ để thanh toán trong nước, cũng là một yếu tố cơ quan chức năng hai nước cần xem xét kỹ hơn trước khi ra quyết định liên quan đến chính sách"- ông Phong nêu quan điểm.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!