Như Báo Người Lao Động thông tin ông Lương Văn Tr. ngụ Long An, đã chuyển khoản nhầm 450 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng cho một người lạ tên Phạm Duy A. ở Bến Tre. Sau hơn 4 tháng, ông Tr. vẫn đang trầy trật đi đòi lại số tiền bị chuyển nhầm.
Liên quan đến vụ việc, phóng viên đã liên hệ ngân hàng A. nơi ông Phạm Duy A. mở tài khoản và nhận tiền nhầm để tìm hiểu vụ việc.
Trả lời với phóng viên Báo Người Lao Động, ngân hàng A. cho biết ngay sau khi nhận phản ánh của khách hàng về việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản người lạ mở tại đây, ngân hàng đã thực hiện tất cả hành động hỗ trợ người chuyển theo đúng quy định pháp luật, bao gồm liên hệ người nhận (nhiều lần nhưng không liên hệ được) và cung cấp thông tin cũng như hợp tác theo yêu cầu của cơ quan công an.
Nhưng làm sao để khách hàng có thể lấy lại được khoản tiền 450 triệu đồng đã chuyển nhầm? Ngân hàng A. cho hay trong trường hợp này, để thực hiện hoàn trả tiền hiện có trên tài khoản người nhận, cần thực hiện theo các biện pháp gồm: Chỉ định từ người nhận nhầm; quyết định của tòa án; quyết định của cơ quan công an.
Khách hàng cẩn trọng khi giao dịch trên kênh ngân hàng số, nhất là giai đoạn xác nhận giao dịch chuyển khoản để tránh nhầm lẫn
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực cho người chuyển nhầm tiền trong khuôn khổ pháp luật. Việc chuyển khoản nhầm trong tài khoản xảy ra khá thường xuyên trong hệ thống ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại luôn hỗ trợ, thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật khác. Đồng thời, khuyến cáo khách hàng cẩn trọng khi giao dịch trên kênh ngân hàng số, nhất là giai đoạn xác nhận giao dịch để tránh nhầm lẫn" - đại diện ngân hàng A. nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" cần lưu ý không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, để không vi phạm Điều 176 - Bộ luật Hình sự về tội cố ý chiếm giữ trái phép tài sản bị chuyển nhầm.
Cần chủ động liên hệ, phối hợp với ngân hàng thương mại để được hướng dẫn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ở góc độ pháp luật, nhiều luật sư cho rằng trong vụ việc chuyển khoản nhầm này, người chuyển nhầm tiền nếu liên lạc với người nhận tiền mà không được trả lại, có thể làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để tố giác tội phạm hoặc có thể khởi kiện ông Phạm Duy A. ra TAND huyện Giồng Trôm, nơi ông này cư trú, để yêu cầu hoàn trả số tiền nhận nhầm.
Theo Luật sư - thạc sĩ Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Kinh Luân (Đoàn Luật sư TP HCM), nếu người nhận tiền nhầm không trả lại số tiền chuyển nhầm, đồng thời còn rút ra một khoản để sử dụng thì bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác.
Hành vi này có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời về mặt dân sự phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền 450 triệu đồng đã nhận nhầm cho ông Tr.
Bình luận (0)