Nhiều cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội thông báo tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Lượng khách giảm, doanh thu sa sút cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều điểm kinh doanh buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), là nơi vốn nổi tiếng với hàng loạt cửa hàng kinh doanh thời trang (quần áo, dày dép...), nhưng theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, không ít cửa hàng đang "cửa đóng then cài", dán thông báo tạm nghỉ để tránh dịch Covid-19.
Cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội "đóng băng" do dịch Covid-19
Một người dân sống cạnh cửa hàng thời trang số 191 Cầu Giấy cho biết thời gian gần đây, lượng khách đến mua sắm không đông như trước, nên từ ngày hôm qua tức 12-3, cửa hàng này đã tạm đóng cửa, thông báo đến khách hàng về việc phòng chống dịch và chưa chốt thời gian mở cửa trở lại. "Khi không có dịch, xung quanh đây cửa hàng quần áo nào cũng rất đông đúc. Do dịch nên sinh viên chưa đi học, chính vì vậy mà lượng khách giảm đi rất nhiều"- ông Nguyễn Văn Thái (trú tại đường Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Cách cửa hàng số 191 đường Cầu Giấy vài chục mét, 3 cửa hàng bán quần áo liên tiếp nhau cũng không mở cửa do dịch Covid-19. Chi phí mặt bằng, nhân viên cùng với các chi phí khác để duy trì hoạt động là khá lớn khiến việc kinh doanh của các cửa hàng "lao đao" trong đợt dịch.
Dịch Covid-19 đã tác động đến sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực
Trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), hàng phở Lý Quốc Sư nổi tiếng vốn đông thực khách thường ngày nay cũng tạm đóng cửa. Theo thông báo, cửa hàng phở Lý Quốc Sư này nghỉ từ ngày 8 đến ngày 20-3 do dịch Covid-19.
Cửa hàng phở Lý Quốc Sư này nghỉ từ ngày 8 đến ngày 20-3 do dịch Covid-19 - Ảnh: Văn Duẩn
Trước ảnh hưởng của dịch, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 .
Cửa hàng phở Lý Quốc Sư nghỉ từ ngày 8 đến ngày 20-3 do dịch Covid-19 - Video: Văn Duẩn
Dự thảo Nghị định quy định áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong nhiều ngành nghề, trong đó các ngành như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống đều được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất.
Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cho biết Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho gia hạn thuế giá trị gia tăng mà không phân biệt ngành nghề kinh doanh. Theo số liệu của ngành thuế, 93% số doanh nghiệp đang kê khai và nộp thuế của cả nước có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, sẽ có hơn 93% doanh nghiệp của cả nước được chậm nộp thuế giá trị gia tăng.
Một số hình ảnh các cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội phải tạm đóng cửa do dịch Covid-19:
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng kinh doanh, quán ăn phải tạm đóng cửa
Dãy cửa hàng "im lìm" trên đường Cầu Giấy
Kinh doanh khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa
Một nhà hàng thông báo tạm đóng cửa 1 tuần để phòng chống dịch Covid-19
Quán bia hơi nổi tiếng Thu Hằng nằm trên đường Lê Đức Thọ cũng tạm ngừng hoạt động
Phố Ngũ Xá vốn đông đúc với các cửa hàng phở cuốn nhưng hiện nay cũng vắng vẻ lạ thường
Nhiều cơ sở kinh doanh chưa chốt thời gian mở cửa trở lại
Các quán trà chanh, địa điểm thường được giới trẻ lui tới để "chém gió" hiện cũng tạm đóng cửa
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
Nhiều nhà hàng ăn không còn cảnh đông đúc như trước thời điểm bùng phát dịch
Theo thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020, có trên 1.089 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 2.351 hộ tạm nghỉ kinh doanh do tác động trực tiếp của dịch Covid-19.
Cụ thể, trong tháng 1-2020, có 13.826 hộ kinh doanh có phát sinh hóa đơn (tăng 3% so với cùng kỳ) với mức tăng doanh thu 5%, số thuế phải nộp tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sang tháng 2-2020 chỉ còn 4.281 hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn, giảm 57,4% so với cùng kỳ dẫn đến giảm 53,1% doanh thu, giảm 50,7% số thuế phải nộp so với cùng kỳ.
Theo cơ quan thuế, số giảm tập trung vào nhóm hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với thu ngân sách nhà nước năm 2020, Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến hết tháng 2, cơ quan này quản lý hơn 169.400 người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang hoạt động. Trên cơ sở thống kê, tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lớn giảm 6% so với cùng kỳ, số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp giảm 10,5%.
Bình luận (0)