Kênh rạch trơ đáy vì hạn hán
Nông dân phải tốn thêm tiền thuê cơ giới vận chuyển nông sản vì kênh rạch không còn nước để vận chuyển theo đường thủy
Ngày 11-2, ông Nguyễn Hữu Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cho biết địa phương có hơn 600 ha lúa, hoa màu của người dân đã và đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán đến sớm.
Nhiều con sông trên địa bàn xã Trần Hợi khô trơ đáy do ảnh hưởng của hạn hán
"Thời gian gần đây, do hạn hán nên tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất diễn ra khá phổ biến. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn", ông Khải nói.
Người dân thuê xe cơ giới để vận chuyển nông sản do đường thủy khô cạn
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, nhiều sông, kênh rạch trên địa bàn xã Trần Hợi đã khô trơ đáy, lòng sông đầy những vết nứt do hứng chịu những đợt nắng nóng như "nảy lửa".
Ông Hà Xuân Thắng (50 tuổi; ngụ ấp 5, xã Trần Hợi), cho hay năm trước vào thời điểm này mực nước trên các con sông như: Vồ Dơi, So Đũa, Kiểm Lâm … vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, năm nay hạn hán đến sớm khiến cho ông và nhiều hộ trồng màu khác bị thiếu nước phục vụ việc tưới tiêu hoa màu. Với 1,5 ha trồng bí rợ, do thiếu nước khi bí đang nuôi trái nên năng suất, chất lượng của vụ trồng đều giảm so với trước.
Ông Phương ngán ngẫm khi nhìn ruộng dưa nằm “chờ chết” do không nước tưới
Hiện, bí rợ loại nhất (từ 3,5 kg trở lên) được thương lái thu mua với giá 6.000 đồng/kg, bí loại nhỏ (dưới 3,5 kg) thu mua với giá 3.500 đồng. Theo lý giải của các hộ trồng thâm niên, bí trái của người dân năm nay có trọng lượng nhỏ hơn 3,5 kg chiếm tỉ lệ cao do không đủ nước nuôi trái…
"Vụ bí rợ này gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn/1,5 ha, năng suất giảm gấp 5 lần so với trước. Tôi phải thuê cơ giới vận chuyển nông sản dẫn đến chi phí tăng cao, nhưng bí lại bị thu mua với giá rẻ. Vụ này, gia đình tôi lỗ nặng", ông Thắng nói trong ngán ngẩm.
Ông Phương bên diện tích trồng dưa leo úa vàng
Chung hoàn cảnh với ông Thắng là hộ gia đình ông Quách Vĩnh Phương (45 tuổi; ngụ ấp 5 xã Trần Hợi). Ông Phương cho biết vào 29 Tết, mực nước trên các con sông bắt đầu giảm và khô cạn cho đến nay. Hơn 5.000 m2 trồng dưa hấu đang cho trái của gia đình nằm "chờ chết" do không có nước tưới. Song song đó, cũng do hạn hán khắc nghiệt nên 7.000 m2 trồng dưa leo của gia đình ông chỉ cho trái được khoảng 12 ngày thì bắt đầu khô héo. Năng suất bình quân khoảng 200kg/ngày.
Hoa màu khô hạn chờ chết, cỏ dại phát triển um tùm
"Nếu thời tiết thuận lợi, đủ nguồn nước tưới, một vụ dưa leo sẽ thu hoạch được khoảng 30 ngày và năng suất gấp 4 lần so với hiện nay", ông Phương chia sẻ.
Theo nhận định của nhiều người dân lớn tuổi ở địa phương, năm nay hạn hán sẽ còn kéo dài và nghiêm trọng hơn trận hạn hán lịch sử năm 2016.
Trước tình hình trên, ngành chức năng xã Trần Hợi đã rà soát thiệt hại trong người dân. Đồng thời, lập báo cáo gửi lên cấp trên đề xuất hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do hạn hán.
Bình luận (0)