Clip nghề gói bánh ú lá tre mang về thu nhập khá cho chị em phụ nữ
Bánh ú lá tre là món ăn dân dã nhưng gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ và trở thành phần phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân nơi đây.
Giữ lửa nghề truyền thống
Giữa lòng TP Cà Mau hối hả, những bếp lửa luộc bánh ú lá tre của gia đình bà Lê Thị My (69 tuổi; ngụ khóm 5, phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) luôn "đỏ lửa" để có thể cung ứng hàng ngàn chiếc bánh thơm ngon, chất lượng đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua đây, nghề trở thành sinh kế cho nhiều hộ dân sống ở khóm 5.
Các nguyên liệu để làm bánh ú lá tre
Trao đổi với chúng tôi, bà My cho biết gia đình bà có 3 thế hệ gắn bó với nghề gói bánh ú lá tre và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
"Khi còn nhỏ, tôi được mẹ dạy cách gói và truyền bí quyết để làm ra những chiếc bánh ú lá tre thơm ngon, mang đậm hương vị đặc trưng riêng. Từ đó, trong tôi đã mang tình yêu và niềm đam mê với nghề", bà My nhớ lại.
Nhiều chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập từ việc gói thuê bánh ú lá tre
Sau khi lập gia đình, bà My cùng chồng đã làm việc quần quật để mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Sau khi bàn bạc cùng chồng, bà quyết định chuyển sang nghề gói bánh ú lá tre bán nhằm kiếm thêm khoản tiền trang trải cuộc sống và lo cho đàn con nhỏ.
Nhân đậu xanh được đặt vào giữa bánh
Cũng mang trong mình tình yêu nghề nhiệt huyết, con gái bà My là bà Nguyễn Thị Mai (40 tuổi) sau khi học hết cấp 3 đã quyết định không theo đuổi ước mơ vào giảng đường đại học như bạn bè cùng trang lứa mà ở nhà phụ mẹ gói bánh ú lá tre.
Sống khỏe nhờ giữ "lửa" nghề
Sau thời gian "buôn gánh bán bưng", hai vợ chồng bà My cũng tích góp được một số vốn rồi dựng một căn nhà kiên cố để có nơi che mưa che nắng.
Bánh ú lá tre thành phẩm sau khi qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề
Theo lời bà My, các nguyên liệu để làm bánh ú lá tre gồm: nếp, đậu xanh, nước tro, đường, dây lát, lá tre… Khi có đủ các nguyên liệu, người dân sẽ cho nước sạch vào tro ngâm khoảng 1 giờ rồi lắng lấy phần nước trong. Sau đó, cho nếp vào ngâm khoảng 24 giờ trong nước tro đã lóng trong rồi rửa lại bằng nước sạch.
Bà Mai ngồi canh lửa luộc bánh và kiểm tra khi vớt bánh ra
Đậu xanh ruột luộc xong, đánh nhuyễn rồi tạo viên làm nhân bánh… Khi bánh gói đã thành phẩm, cho vào nồi luộc khoảng 2 giờ rồi vớt bánh ra để ráo.
Chia sẻ bí quyết để có chiếc bánh ú lá tre thơm ngon, bà My cho hay mỗi gia đình đều có cách làm riêng. Tuy nhiên, đối với bà trong tất cả các công đoạn thì khâu ngâm nếp là quan trọng nhất, nó quyết định sự thành công cho mẻ bánh.
Bà Võ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 5 đến động viên và chia sẻ công việc với những chị em gắn bó với nghề
Thời gian gần đây, công việc làm bánh trong gia đình bà My giao lại cho vợ chồng con gái quán xuyến.
Hàng ngày, bà Mai thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị các nguyên liệu gói bánh. Sau đó, cùng nhân công gói, luộc bánh đến khuya để kịp giao hàng cho phiên chợ sáng.
"Bạn hàng ở các chợ trong nội ô thành phố, tôi giao bằng xe máy; các huyện ở xa tôi gửi xe cho khách. Trung bình, mỗi ngày gia đình tôi xuất ra thị trường hơn 4.000 cái bánh ú lá tre, thu lãi trên 600.000 đồng", bà Mai nói.
Hiện, bánh ú lá tre được bán ra thị trường với giá dao động từ 12.000 đến 20.000 đồng/1 chục. Vào tháng 5 âm lịch hàng năm, bánh ú lá tre bán ra thị trường tăng gấp gần 10 lần so với các tháng khác. Lúc này, ngoài những nhân công cố định, bà Mai phải thuê thêm 20 người phụ gói bánh.
Hàng trăm chiếc bánh ú lá tre được đưa vào nồi để luộc
Theo lời bà Mai, từ mùng 3 đến mùng 5-5 âm lịch, cơ sở làm bánh ú lá tre của gia đình bà bán ra thị trường hơn 500.000 cái, thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Tiếp lời con gái, bà My phấn khởi nói: "Gia đình tôi mỗi năm thu lãi được gần 300 triệu đồng từ nghề gói bánh ú lá tre. Nhờ nghề mà tôi có thể nuôi các con khôn lớn, đứa cháu nội đang học đại học năm 4".
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, vợ chồng bà Mai cho biết sẽ tìm thêm thị trường để mở rộng quy mô sản xuất.
Bà Võ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 5, cho biết nghề gói bánh ú đã tạo được nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân và góp phần giải quyết việc làm cho các chị em nông nhàn trên địa bàn.
"Thời gian tới, hội sẽ thành lập tổ gói bánh ú lá tre để tạo điều kiện cho các hội viên gìn giữ và phát triển nghề. Đồng thời, giúp quản lý có hiệu quả công tác an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe người dân", bà Thủy thông tin thêm.
Bình luận (0)