Dưới cái nắng bất chợt kèm theo cơn mưa phùn của những ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến gia đình ông Huỳnh Thanh Hùng (42 tuổi; ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) – người có gần chục năm gắn bó với nghề nuôi chồn hương tại vùng cực Nam của Tổ quốc.
Clip mô hình nuôi chồn hương "tậu" biệt thự tiền tỉ
Theo lời ông Hùng, ông sinh ra trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ đã có niềm đam mê đặc biệt với nghề chăn nuôi. Sau khi lập gia đình, ông mạnh dạn thuê cơ giới đào ao nuôi cá chình, cá bống tượng, làm chuồng nuôi heo rừng… nhưng các mô hình trên không đem lại hiệu quả cao.
Xây dựng chuồng nuôi chồn theo kiểu nhà sàn, phía dưới nuôi thêm cá để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường
Năm 2016, sau thời gian tầm sư học nghề và nghiên cứu thị trường, ông Hùng bắt đầu "bén duyên" với nghề nuôi chồn hương.
"Tôi dự định mua 10 cặp chồn giống về nuôi thử nghiệm nhưng chỉ chọn được 2 cặp ưng ý dù trên thị trường lúc này chồn giống rất nhiều" - ông Hùng nhớ lại.
Dù tay ngang vào nghề nhưng nhờ không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nên mô hình nuôi chồn hương của gia đình ông Hùng bước đầu đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Lúc này, ngoài số chồn giống sinh sản của gia đình, ông còn đi nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL tìm, chọn mua những con giống chất lượng về nuôi.
Nuôi chồn rất nhàn, mỗi ngày ông Hùng chỉ tốn khoảng 3 giờ để cho ăn và chăm sóc
Năm 2019, ông đầu tư hơn nửa tỉ đồng làm chuồng trại. Để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, ông Hùng đã xây chuồng nuôi theo kiểu nhà sàn, phía dưới nuôi thêm cá rô, cá tra… Đến nay, tổng số đàn chồn của Trại chồn hương Tân Thành đã trên 140 con, trong đó có 40 con cái đang trong thời kỳ sinh sản.
"Nếu chăm sóc tốt, từ 8-12 tháng chồn sẽ bắt đầu sinh sản. Với hơn 200 con chồn giống xuất ra thị trường, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về 800 triệu đồng" - ông Hùng phấn khởi nói.
Chồn hương là loài động vật hoang dã có sức sống mãnh liệt, dễ nuôi, bên trong túi xạ có tuyến xạ tiết ra mùi hương đặc trưng cộng với chất lượng thịt thơm ngon nên được thương lái, thực khách chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để tìm mua. Thức ăn loài này có rất nhiều tại địa phương, như: chuối chín, cá phi… nên người nuôi tốn rất ít chi phí.
Món ăn khoái khẩu của chồn là chuối chín, cá rô phi
Theo lời nhiều lão nông có thâm niên trong nghề, nuôi chồn hương ít rủi ro, đầu ra ổn định và rất nhàn so với việc nuôi cá chình, cá bống tượng. Những trại quy mô hàng trăm con mỗi ngày chủ nuôi chỉ mất khoảng 3 giờ để cho ăn cũng như vệ sinh chuồng trại. Một con chồn chỉ mất 4.000 đồng/2 bữa ăn.
"Trong nuôi chồn, lựa chọn con giống được xem là yếu tố quan trọng nhất. Bởi, khi có con giống chất lượng cộng với kinh nghiệm trong chăm sóc và phối giống thì chỉ trong thời gian ngắn chủ nuôi có thể nhân giống lên số lượng lớn. Đàn chồn nhà tôi con đực nặng hơn 6 kg, con cái từ 4-5kg. Với trọng lượng như vậy, sẽ cho ra đàn con chất lượng. Trọng trường hợp bán chồn thịt sẽ được giá cao do đạt loại nhất (trên 2,5 kg/con)" - ông Hùng chia sẻ.
Nuôi chồn hương giúp ông Hùng “tậu” biệt thự tiền tỉ, đem lại thu nhập khá
Do nhu cầu thị trường rất lớn nên thương lái đã liên hệ đặt mua chồn giống trước 10 tháng nhưng Trại chồn hương Tân Thành vẫn không đủ bán. Để đáp ứng nhu cầu mua chồn giống, thời gian tới ông Hùng sẽ mở rộng quy mô trang trại. Đồng thời, khi đáp ứng được nguồn chồn giống trang trại sẽ cung cấp thêm chồn thịt để tạo sự đa dạng trong đầu ra.
Nhờ nguồn thu nhập cao từ việc nuôi chồn hương nên gia đình ông Hùng đã "tậu" được biệt thự tiền tỉ và có nguồn thu nhập ổn định.
Bình luận (0)