Để việc giảm lãi suất cho vay thật sự đem lại hiệu quả tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), theo các chuyên gia, cần kiểm soát để dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, không chảy vào nơi có nhiều rủi ro như bất động sản...
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí
Trong các điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của NH thương mại đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên như vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao sẽ giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này cũng giảm còn 7,5%/năm.
Theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế ở mức 5,73%, lạm phát có xu hướng tăng chậm lại, thanh khoản của hệ thống NH ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng… Đây là những cơ sở để NHNN giảm lãi suất nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ cộng đồng DN giảm chi phí.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, đánh giá việc NHNN giảm các mức lãi suất điều hành 0,25%/năm sẽ giúp chi phí quản lý của NH thương mại giảm, từ đó làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Riêng đối với các lĩnh vực ưu tiên, việc giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 35 của Chính phủ sẽ góp phần giúp DN giảm chi phí tài chính, kích thích sản xuất - kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm các mức lãi suất điều hành được đánh giá sẽ ảnh hưởng tích cực đến lãi suất vay Ảnh: Tấn Thạnh
"Dù mức lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều so với trước nhưng vẫn còn cao so với các nước trong khu vực, nhất là trong bối cảnh DN trong nước chủ yếu dựa vào vốn vay NH. Do đó, việc giảm thêm 0,5%/năm lãi vay là cần thiết và là động thái tích cực hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn về tài chính, tăng sức cạnh tranh" - ông Hưng nhận xét.
Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP HCM cũng cho rằng việc giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên thể hiện sự chủ động của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Nhu cầu tín dụng trong những tháng đầu năm tăng ở mức khá và nay, với việc giảm thêm lãi suất sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới. Mức giảm 0,5%/năm tương đương với việc giúp DN giảm 5% chi phí lãi vay, là sự hỗ trợ rất tốt trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Theo Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) Trương Đình Long, động thái của NHNN thể hiện quyết tâm thu hẹp chênh lệch lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2, bơm thêm VNĐ thông qua việc mua vào ngoại tệ mà không phát hành tín phiếu hút tiền về nhờ lạm phát đang rất thấp. Để thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những quý còn lại, NHNN cần hỗ trợ nền kinh tế vay, phát triển.
Cần giảm áp lực vốn trung hạn cho vay dài hạn
Để việc giảm lãi suất thật sự đem lại hiệu quả cho DN và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, các NH thương mại cần chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, có giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh…
Lãnh đạo một số NH thương mại nhìn nhận yêu cầu hạ lãi suất của NHNN là tín hiệu tích cực, còn việc giảm lãi suất cho vay đối với từng khách hàng cụ thể, từng phân khúc khách hàng lại tùy vào từng NH thương mại. "Các NH đều muốn giảm thêm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Tuy nhiên, cần đặt trong bối cảnh thực tế về thanh khoản của từng NH và tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay ở một số NH đã cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thị trường. Lãi vay vì vậy cũng sẽ khó giảm sâu" - phó tổng giám đốc một NH cổ phần phân tích.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, nhìn nhận lãi vay không giảm đại trà ở tất cả lĩnh vực mà chỉ giảm cho các lĩnh vực ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ là động thái cần thiết của NHNN để nắn dòng vốn tín dụng vào đúng hướng. Theo đó, các NH thương mại cần tuân thủ yêu cầu này, không rót vốn rẻ vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, nợ xấu như bất động sản…
Để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, TS Cấn Văn Lực đề nghị NHNN sửa Thông tư 06 về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, sẽ về mức 40% từ đầu năm tới, gây áp lực lên thanh khoản và các NH đang phải tăng lãi suất kỳ hạn dài để huy động thêm nguồn vốn trung - dài hạn. Có thể giãn tiến độ áp dụng Thông tư 06 để bớt áp lực lên nguồn vốn trung - dài hạn cho NH, từ đó tạo điều kiện giúp NH giảm lãi suất cho vay trung - dài hạn.
Ngoài ra, NHNN cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng và DN đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu sau khi Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này. Khi nợ xấu được xử lý triệt để cũng góp phần làm giảm lãi suất cho vay.
Tiếp tục kiến nghị nâng lãi suất tiền gửi USD
Theo TS Cấn Văn Lực, một trong những giải pháp giúp NH thương mại huy động được nguồn vốn rẻ hơn từ thị trường, góp phần giảm lãi suất cho vay là cho phép huy động tiền gửi USD với mức lãi suất hợp lý, có thể từ 0,25%/năm. Mức lãi suất huy động này sẽ thấp hơn nhiều so với việc các NH thương mại đi vay ngoại tệ ở nước ngoài cùng kỳ hạn, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Trước đó, tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đề xuất nâng lãi suất tiền gửi USD cũng được các chuyên gia đề cập nhằm huy động nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân.
Bình luận (0)