"Để bảo đảm tuân thủ pháp luật, ngăn chặn nguy cơ "bốc hơi" vốn nhà nước, bảo đảm quyền lợi của các cổ đông, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra, hủy bỏ việc sáp nhập Công ty CP Nhựa Y tế (Mediplast) vào Tổng Công ty Thiết bị Y tế (Vinamed)" - bà Lê Thị Minh Châu (ngụ phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) - đại diện cho nhóm cổ đông của Mediplast kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều bất thường
Theo bà Châu, sau khi cổ phần hóa vào năm 2006, Mediplast có vốn điều lệ 16,5 tỉ đồng (1,65 triệu cổ phần), trong đó nhà nước nắm giữ 48% và số cổ phần này do Vinamed quản lý. Tại đại hội cổ đông bất thường của Mediplast vào tháng 10-2016, ông Phạm Quang Huy - Chủ tịch HĐQT Mediplast tuyên bố Vinamed đã mua thêm khoảng 21% cổ phần, tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại Mediplast lên khoảng 69%.
Đại hội cổ đông bất thường của Mediplast. (Ảnh từ website của Vinamed)
Báo cáo tài chính của Mediplast cũng thể hiện tại thời điểm 31-12-2016, Vinamed nắm giữ 69,32% cổ phần Mediplast. Thế nhưng, đến cuối tháng 5-2017, tỉ lệ này giảm còn 23,86%. Từ đó, không ít cổ đông Mediplast nhận định Vinamed đã lặng lẽ bán gần 45,5% vốn cổ phần (tương đương 750.000 cổ phần), trong đó có cổ phần của nhà nước. Thậm chí, có cổ đông cho rằng nếu 23,86% cổ phần mà Vinamed còn nắm giữ là của nhà nước thì trong 48% vốn cổ phần nhà nước, công ty này đã bán hơn 24% cổ phần.
Tại đại hội cổ đông bất thường Mediplast diễn ra ngày 26-5, nhiều nhà đầu tư liên tục chất vấn HĐQT Mediplast việc cổ đông lớn Vinamed bán cổ phần cho ai? Người mua có quan hệ gì với ông Phạm Quang Huy - Chủ tịch HĐQT Mediplast lẫn Vinamed (giai đoạn tháng 10-2016 đến tháng 4-2017 và hiện là Chủ tịch HĐQT Vinamed)? Bộ Y tế có cho phép Vinamed bán cổ phần nhà nước hay không?...
Trả lời cổ đông, ông Lê Toàn Hải, Chủ tịch HĐQT Mediplast, cho rằng công ty không trực tiếp quản lý cổ đông mà thuê Công ty Chứng khoán Hoàng Gia quản lý, còn việc chuyển nhượng cổ phần là quyền của cổ đông, Mediplast không thể can thiệp.
Thắc mắc của cổ đông chưa được trả lời
Nhiều cổ đông Mediplast cho rằng lãnh đạo Mediplast đồng thời cũng là lãnh đạo Vinamed thiếu minh bạch trong việc bán cổ phần. Từ đó, họ hoài nghi Vinamed đã bán số lượng lớn cổ phần Mediplast cho một cá nhân để người này có tỉ lệ áp đảo khi biểu quyết việc HĐQT Mediplast trình đại hội cổ đông thông qua phương án sáp nhập vào Vinamed với tỉ lệ hoán đổi 1 cổ phần Mediplast được nhận 3 cổ phần Vinamed. Mặt khác, lãnh đạo Mediplast và Vinamed thiếu rõ ràng trong việc định giá tài sản doanh nghiệp (DN) có thể dẫn đến định giá thấp cổ phần nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ trục lợi gây thất thoát vốn nhà nước. Cụ thể, HĐQT Mediplast không trả lời cổ đông cơ sở pháp lý nào cho phép Vinamed bán cổ phần Mediplast, tài sản của 2 DN được định giá bao nhiêu trước khi Mediplast sáp nhập vào Vinamed?
Để tìm hiểu việc mua - bán cổ phần Mediplast, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với Chủ tịch HĐQT Vinamed - ông Phạm Quang Huy theo số điện thoại 0905508… nhưng không có người nghe.
Tài liệu của chúng tôi có được cho thấy, giai đoạn 2014-2015, Mediplast chỉ đạt doanh thu thuần 92-95 tỉ đồng nhưng đến năm 2016 vọt lên 108 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 21,5 tỉ đồng. Còn Vinamed hoàn thành cổ phần hóa vào tháng 7-2016, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 1-2017 với số vốn điều lệ 88 tỉ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Riêng năm 2016, Vinamed đạt doanh thu thuần 35,8 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ 4,9 tỉ đồng.
Thế nhưng, đến tháng 5-2017, Vinamed lại quyết định nhận sáp nhập Mediplast. Theo đó, sau sáp nhập, Vinamed sẽ phát hành thêm 3.768.900 cổ phần (tương đương 37,68 tỉ đồng vốn đều lệ tăng thêm) để hoán đổi cổ phần cho các cổ đông Mediplast .
Trong khi đó, số lượng cổ phần nhà nước tại Vinamed không thay đổi nhưng do công ty này sẽ tăng vốn điều lệ từ 88 tỉ đồng lên gần 125,7 tỉ đồng khiến tỉ lệ vốn nhà nước tại Vinamed giảm từ 20% xuống 14%.
Bán vốn nhà nước phải đấu giá công khai
Theo Nghị định 91/2015 /CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, đối với công ty chưa niêm yết thì việc bán vốn nhà nước thực hiện theo phương thức đấu giá công khai; trường hợp đấu giá công khai không thành công thì chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô hoặc bán trực tiếp cho nhà đầu tư trong trường hợp bán đấu giá theo lô không thành công (chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản).
Bình luận (0)