Nhiều ngân hàng (NH) đã và đang tổ chức đại hội cổ đông năm 2019. Theo đó, một trong những vấn đề mà cổ đông hết sức quan tâm là việc chia cổ tức của năm 2018 bằng tiền mặt hay cổ phiếu.
Cổ đông vui buồn lẫn lộn
Tại đại hội cổ đông NH TMCP Quốc tế (VIB) vừa diễn ra đã chốt phương án chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng để thêm vốn điều lệ. Theo đó, VIB chia cổ tức 5,5% bằng tiền mặt, dù chỉ tăng nhẹ so với các năm trước nhưng hầu hết cổ đông có mặt đều cảm thấy phấn khởi vì ngân hàng làm ăn tốt, chia lợi nhuận mỗi năm một cao. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, cho biết việc chia cổ tức bằng tiền mặt 3 năm qua đã tạo sự hấp dẫn nhất định của NH với nhà đầu tư. Số cổ đông của VIB tăng từ 1.200 năm 2016 lên trên 5.000 cổ đông hiện nay, dù NH chưa lên sàn chính thức.
Tương tự, cổ đông của Ngân hàng Quân đội (MB Bank) cũng khá vui mừng bởi NH này đã công bố tạm ứng cổ tức của năm 2018 là 6% bằng tiền mặt. Đồng thời, cổ đông của MB Bank còn kỳ vọng NH sẽ dùng lợi nhuận còn lại để phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên hơn 21.600 tỉ đồng. Khi đó, cổ đông của MB Bank có thể nhận thêm 5% cổ tức bằng cổ phiếu.
NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) với con số lợi nhuận 2018 đạt 743 tỉ đồng, hơn gấp đôi kế hoạch đặt ra, đại hội cổ đông NH này đã thông qua việc chia cổ tức tới 16% khiến nhiều cổ đông và nhà đầu tư mừng ra mặt.
Đại hội cổ đông thường niên của Nam A Bank đã thông qua việc chia cổ tức 16%
Ở các NH khác, tuy chưa tổ chức đại hội cổ đông nhưng thông tin về chia cổ tức luôn được cổ đông mong ngóng từng ngày, một số lãnh đạo NH đã chủ động hé lộ vài thông tin để cổ đông yên tâm. Cụ thể theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc NH Á Châu (ACB) , năm trước, ACB đã chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu và dự kiến năm nay tiếp tục chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, tỉ lệ cổ tức này phải được đại hội cổ đông sắp tới thông qua. "ACB dự định phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 10 nhận 3, qua đó tăng thêm vốn điều lệ cho NH thêm hơn 3.000 tỉ đồng" – ông Toàn cho biết.
Trong khi đó, một số cổ đông nhỏ lẻ của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có phần buồn lòng vì NH này dự định không chia cổ tức. Theo đó, VPBank đã xin ý kiến bằng văn bản và có đến 86% cổ đổng thông qua phương án phân phối 7.355 tỉ đồng lợi nhuận. NH dùng số tiền này để trích lập các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, đầu tư phát triển, còn hơn 3.431 tỉ đồng lợi nhuận chưa chia dùng để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh.
Khó xử ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước
Ở khối NH thương mại có vốn nhà nước, việc chia cổ tức có phần phức tạp hơn khi lãnh đạo NH phải xin ý kiến NH Nhà nước và cả Chính phủ lẫn các bộ ngành liên quan. Sau khi có sự đồng thuận của cơ quan quản lý về tỉ lệ, cách thức chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, HĐQT các NH mới trình đại hội cổ đông thông qua phương án chia cổ tức.
Một thành viên của Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay lãnh đạo của các NH Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển (BIDV) luôn mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ, hoặc giữ lại lợi nhuận (không chia cổ tức) để tăng thêm năng lực tài chính, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ số an toàn vốn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vốn nhà nước (Bộ Tài chính) lại định hướng các NH này chia cổ tức bằng tiền mặt để nhà nước có ngay nguồn thu ngân sách.
Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, cho biết NH đang đề xuất cấp trên chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu lẫn tiền mặt, dự kiến khoảng 8% nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn thu ngân sách và nhu cầu tăng vốn của NH.
Còn đại hội cổ đông của Vietinbank dự kiến diễn ra ngày 23-4 nhưng đến thời điểm này cổ đông vẫn chưa biết các phương án chia cổ tức của NH này sẽ được thực hiện thế nào, chia cổ tức bằng cổ phiếu, hay giữ lại lợi nhuận để tăng thêm nguồn vốn hoặc trả bằng tiền mặt để làm "đẹp lòng" cổ đông Nhà nước với tỉ lệ sở hữu chiếm đa số.
TS Nguyễn Văn Thuận (Trường đại học Tài chính – Maketing) cho rằng tùy vào tình hình hoạt động của từng NH để có chính sách chia cổ tức hợp lý. Nếu NH có tiền mặt dồi dào thì nên chia cổ tức bằng tiền; ngược lại chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tốt hơn cho NH. Cổ đông nhận cổ phiếu sẽ bán ra thu về tiền mặt. Trường hợp NH không chia cổ tức thì lợi nhuận chưa chia chính là của để dành. NH sẽ có thêm vốn để kinh doanh sinh lời, bảo đảm các quy định về an toàn vốn. Đến các năm tiếp theo, NH sẽ dùng lợi nhuận để dành từ các năm trước để chia cổ tức bằng tiền mặt, hoặc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông.
Nên chia bằng cổ phiếu lẫn tiền mặt
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, trong bối cảnh NH Nhà nước yêu cầu áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế, các NH thương mại đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn, kéo hệ số an toàn tăng lên. Còn nếu NH chia cổ tức bắng tiền mặt thì vốn và hệ số an toàn vốn không tăng lên, hệ quả là tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.
Liên quan đến việc chia cổ tức của các NH có vốn nhà nước, một số chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ nên cân đối nguồn thu ngân sách từ cổ tức NH theo hướng linh hoạt chia cổ tức bằng tiền mặt lẫn cổ phiếu. Bởi lẽ, nếu Chính phủ yêu cầu chia cổ tức bằng tiền mặt thì các NH phải chọn giải pháp tăng vốn, tăng hệ số an toàn vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NH Nhà nước (Cục II), cho biết trong tổng số 12 tổ chức tín dụng có trụ sở chính tại TP HCM, theo kế hoạch đại hội cổ đông năm nay một số NH chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, một số NH không chia. Chủ trương NH thương mại muốn chia cổ tức phải được NH Nhà nước thông qua sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Bình luận (0)