xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cô gái Nhật thao thức phố cổ

Huỳnh Quốc Hải

Phố cổ Hội An sẽ mất đi sức hấp dẫn khi mô hình cư trú và kinh doanh truyền thống bị thay đổi trong quá trình phát triển du lịch

“Không có người nước ngoài nào gắn bó mật thiết với sự đổi thay của phố cổ Hội An như tiến sĩ Utsumi Sawako - Đại học nữ Showa (Chiêu Hòa) Nhật Bản. 20 năm qua, mỗi năm ít nhất 2 lần, cô đã đến để chứng kiến sự biến động của hàng trăm ngôi nhà cổ và đưa ra nhận định về truyền thống văn hóa Hội An. Đáng quý là cô cũng để lại một di sản ảnh về sự đổi thay ở mặt tiền các ngôi nhà cổ” - ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, nói.

Dáng người thấp đậm, gương mặt bầu bĩnh cùng ánh mắt thân thiện của cô đã trở thành hình ảnh thân quen với người dân phố cổ Hội An. “Cô ấy tới đây lúc Hội An chưa được công nhận di sản kia, nhà nào cô cũng vào thăm, hỏi han chuyện làm ăn, gia đình, sinh hoạt và tranh thủ chụp ảnh. Cô nói tiếng Việt và cười tươi lắm!” - ông Thái Thiện Ngôn, nhà số 33 Lê Lợi, cho biết.

img

Bắt đầu năm 1991, Utsumi Sawako cùng với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế của Đại học Showa, Đại học Chiba đến Hội An theo chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tổng cục Văn hóa Nhật Bản. Cô đã thực hiện một cuộc điều tra khá độc lập là tìm hiểu về cách cư trú cùng các hình thức kinh doanh trong các ngôi nhà cổ và mức độ ảnh hưởng của nó đến khu phố cổ.

Trên mặt tiền 4 con đường trong khu phố cổ có lưu lượng khách du lịch lớn là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Lợi, liên tục từng năm, một mình Utsumi Sawako đi đến tận 453 ngôi nhà cổ đang được sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu để phỏng vấn người dân về ngành nghề kinh doanh, hình thức kinh doanh, thời điểm mở cửa cùng những thông tin liên quan đến người cư trú và chụp ảnh mặt tiền nhà cổ. 

Trong “Những ngày giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” hồi tháng 8-2011, Utsumi Sawako cho biết: “Tôi thật sự say mê những ngôi nhà cổ ở Hội An và thực tế, trên mỗi con đường phố cổ, khả năng hấp dẫn du khách xuất phát từ việc con đường đó có hay không các ngôi nhà cổ. Đó là nguồn tài nguyên tạo nên sự khác biệt trong hình thức kinh doanh ở đây”.

Cô cho biết có đến 409/453 ngôi nhà cổ đang kinh doanh dịch vụ du lịch, tỉ lệ giữa người tự kinh doanh và thuê kinh doanh là 2:1. Riêng đường Trần Phú có niên đại cổ nhất và lưu lượng khách du lịch đông nhất thì chủ sở hữu tự kinh doanh trên 67% và bắt đầu hoạt động từ những năm 1990. Đặc biệt, trong số những ngôi nhà được cho thuê, số nhà làm du lịch là 155/161 căn và đa số đều kinh doanh hàng lưu niệm, tranh nghệ thuật, hàng may mặc và hầu như không thấy cơ sở nào thuê kinh doanh phục vụ người dân sở tại.    

Hình thức cư trú nguyên gốc của cư dân Hội An trong các ngôi nhà cổ là vừa cư trú vừa buôn bán. Tuy nhiên, hiện có đến 38 ngôi nhà kinh doanh nhưng không có người cư trú, điều mà trước đây hoàn toàn không có. Đặc biệt, trong trường hợp thuê kinh doanh, có 17 căn hộ chỉ để kinh doanh và có nhiều người nước ngoài hoặc người từ nơi khác nhập cư để buôn bán. Bên cạnh đó có 107 người sống ngoài khu phố cổ vào thuê nhà kinh doanh, số người thuê không có họ hàng với chủ nhà chiếm đến 96%.

Rõ ràng việc phát triển du lịch ở Hội An đã góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, các cửa hàng, cửa hiệu thuê nhà cổ đều thuộc những nhóm ngành dễ mở, không cần vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, thời gian kinh doanh cũng ngắn. “Điều này cho thấy xu hướng người kinh doanh cố gắng đạt mục đích trong thời gian ngắn rồi rời khỏi Hội An” - Utsumi Sawako nói.

Ngoài ra, có rất đông người đi thuê nhà và người làm thuê vốn không xuất thân từ phố cổ, cũng không sinh sống trong khu phố cổ, nói cách khác là không có quan hệ sâu xa với phố cổ. Trong 453 ngôi nhà cổ này, số người đang buôn bán không phải dân phố cổ chiếm đông nhất với 438 người. Trong 126 người làm thuê thì có đến 121 người không có quan hệ họ hàng với chủ nhà, 97 người thuê nhà không có quan hệ sâu xa với phố cổ, chiếm gần 64%.

img
Tiến sĩ Utsumi Sawako (phải) trao đổi cùng người dân phố cổ. Ảnh: HUỲNH QUỐC HẢI

Tiến sĩ Utsumi Sawako lo ngại: “Những người bên ngoài vào phố cổ sẽ coi phố cổ chỉ là một phương tiện để buôn bán, kiếm sống. Một khi họ ưu tiên hoạt động kinh tế hơn sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn về cảnh quan của phố cổ”.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người thuê nhà cổ tự ý cải tạo mặt tiền trong khi chủ sở hữu mới có quyền xin đăng ký cải tạo. Điều đó cho thấy chủ sở hữu đã nghe theo người thuê nhà hoặc được trả tiền để đăng ký giúp. Đây là một hiện tượng không thể bỏ qua. Còn có trường hợp chủ sở hữu là người dân phố cổ tự ý thay đổi chi tiết kiến trúc, đập tường ngăn vách 2 ngôi nhà cổ liền kề để mở rộng kinh doanh. Thậm chí, một số hộ còn lén lút cơi nới, nâng cấp chi tiết kiến trúc nhà cổ nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Tiến sĩ Utsumi Sawako đưa ra nhận định: “Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới một phần là nhờ còn lưu giữ trong từng ngôi nhà cổ sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa người Việt, người Hoa, người Nhật, người Pháp... Thế nhưng, khi du lịch càng phát triển, hiện tượng không có người cư trú trong các nhà cổ sẽ tăng lên. Như thế, giềng mối cộng đồng, nếp sống sinh hoạt truyền thống sẽ mất; việc kế thừa truyền thống văn hóa cũng sẽ trở nên khó khăn và Hội An có nguy cơ mất đi một phần sức hấp dẫn của mình”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo