Sáng 12-12, tại hội thảo "Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản" do Tạp chí The Leader tổ chức ở TP HCM, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định những khó khăn về thủ tục hành chính; việc thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc chậm triển khai dự án bất động sản khiến cho nhiều doanh nghiệp chạy sang các tỉnh hoặc phải bán dự án, điều đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mạnh tài chính.
Cụ thể, trong nửa đầu 2018, lượng hàng tồn kho về vật liệu xây dựng đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, đã có hiện tượng nhiều dự án bất động sản của các nhà đầu tư trong nước không được hoặc chậm phê duyệt, cấp phép do có tình trạng cán bộ "vừa làm vừa nghe ngóng" hoặc đùn đẩy lên cấp trên, làm chậm thời gian triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển phải chạy về các tỉnh như: Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Yên Bái… nơi có nhiều chính sách hấp dẫn nhà đầu tư hoặc nhiều chủ đầu tư "tay ngang" không đủ tiềm lực tài chính đã phải bán dự án. Chính những điều này đã tạo cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp, mạnh tài chính.
Nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn do sự đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ cấp phép, phê duyệt dự án
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cũng cho biết ông đã nhiều lần lên tiếng về hiện tượng "đùn đẩy", sợ trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan liên quan trong việc cấp phép, triển khai các thủ tục hành chính liên quan cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư…. Theo ông Châu, nếu tình trạng này không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dự án vào năm 2019.
Số liệu ông Lê Hoàng Châu đưa ra cho thấy từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng TP HCM chỉ chấp thuận cho 23 dự án được phép chuyển nhượng. Trong khi, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án, chi phí tăng cao, phải tinh giảm nhân sự và nguy cơ thua lỗ lớn nhưng chưa thể chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn.
Cũng theo theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nguồn cung dự án từ ở TP HCM đầu năm đến nay đã giảm mạnh. Cụ thể, 10 tháng đầu năm chỉ 65 dự án đưa ra thị trường 23.759 căn (trong đó có gần 22.700 căn hộ và gần 1.100 nhà thấp tầng). So với cùng kỳ năm ngoái, lượng dự án đã sụt giảm hơn 11%, lượng nhà đưa ra thị trường giảm gần 40%. Trong đó, phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%.
Bình luận (0)