Theo thống kê, hiện có khoảng 7 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó chỉ riêng tại Mỹ có hơn 3 triệu người Việt. Đặc biệt, kiều bào tại Mỹ luôn mong muốn sử dụng sản phẩm quê hương bởi với họ có rất nhiều sản phẩm khi nhắc tới sẽ gợi nhớ tuổi thơ, nhớ thời đã sống ở Việt Nam và mang niềm tự hào dân tộc.
Bên cạnh đó, Mỹ có rất nhiều kênh phân phối hàng Việt như chợ, siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Amazon hay Sayweee. Có cả cửa hàng chuyên biệt cho nông sản. "Trong một năm qua, chúng tôi đã nhập khẩu hơn 300 đặc sản Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (start-up), DN vừa và nhỏ.
Chúng tôi nhận ra người Việt ở Mỹ cởi mở, dễ đón nhận điều mới, nhất là những sản phẩm mang tính gợi nhớ về quê hương, tuổi thơ. Đây chính là một trong những lợi thế của các DN start-up cần tận dụng" - bà Jolie Nguyễn nói.
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại sự kiện
Tuy nhiên, khoảng cách địa lý là nguyên nhân khiến DN start-up mất lợi thế do về thời gian và chi phí vận chuyển lớn. Trong quá trình vận chuyển, việc bảo quản làm sao để khi đến tay người tiêu dùng sản phẩm vẫn đạt chất lượng tốt nhất là khó khăn rất lớn.
"DN start-up chưa chú trọng thị trường nước ngoài, chỉ hướng đến thị trường trong nước nên khi muốn xuất khẩu phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Vì vậy, sản phẩm thường bị cạnh tranh rất nhiều với những mặt hàng cùng loại, nhất là những quốc gia được Mỹ bảo hộ" - bà Jolie Nguyễn thông tin.
Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Luật và quản lý - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cũng cho rằng Việt Nam là nước có nguồn nguyên liệu đa dạng và thế mạnh về nông sản nhưng DN muốn xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn ngay từ đầu, từ khâu sản xuất, đăng ký sở hữu trí tuệ, năng lực thương hiệu cho đến vấn đề truyền thông.
"Đứng trước hoàn cảnh khó khăn, các DN start-up phải liên tục tìm kiếm những thị trường mới. Đây cũng là cách để các sản phẩm của DN Việt tiếp cận thị trường thế giới mạnh mẽ hơn" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bình luận (0)