Luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các chuyên gia, nhà đầu tư kỳ vọng TP HCM sẽ có sự đột phá trong khung pháp lý về đầu tư tạo thuận lợi nhất để dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào.
Thu hút vốn FDI vẫn tăng mạnh
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê TP HCM, dù tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng, tổng vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến ngày 20-6 vào TP HCM vẫn đạt 2,8 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ.
Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến quỹ đất ở TP HCM có đủ nhiều để đáp ứng nhu cầu đầu tư của họ. Trong ảnh: Một góc Khu Công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư chủ đề "Tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại TP HCM", do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng 7-7, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết thành phố luôn được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI.
Nhưng hiện tại, cần làm gì để tiếp tục giữ vững sức hút đó khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, có hiệu lực từ năm 2024. Chính sách thuế này đang đặt ra thách thức đáng kể cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Nếu không tính đến ưu đãi về thuế, vấn đề còn lại trong thu hút FDI chính là tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Một trong những mục tiêu trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới là giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư, nhằm tạo một môi trường pháp lý lành mạnh và trong sạch, để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài ở TP HCM và cả nước" - bà Phi Vân nói.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cũng nhận định hiện nay bối cảnh quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó đoán trước với nhiều vấn đề chưa từng xảy ra, tác động mạnh mẽ đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Tất cả những yếu tố này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và TP HCM. Riêng TP HCM đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, ngập lụt, triều cường, ô nhiễm… làm cho các nhà đầu tư và chuyên gia ngần ngại.
Để đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong thời gian tới, ông Chánh cho biết TP HCM đang triển khai Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030. "Trong ngắn và trung hạn, TP ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin. Không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… và áp dụng các tiêu chí đầu tư nước ngoài có chọn lọc" - ông Đào Minh Chánh khẳng định.
Gỡ ngay vướng mắc về pháp lý
Tuy vậy, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhìn nhận đang có những trở ngại điển hình liên quan đến quy định pháp luật đối với hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.
"Không thể phủ nhận môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt tại TP HCM liên tục được cải thiện với thái độ và trách nhiệm tích cực hơn. Nhưng tình trạng vướng mắc về mặt thủ tục, áp dụng quy định pháp luật vẫn đang là một trong những thách thức lớn với các nhà đầu tư. Điểm vênh giữa quy định và thực tiễn áp dụng là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt, các cơ quan có thẩm quyền cần nỗ lực hết sức để cải thiện và loại bỏ tình trạng này" - ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo thống kê của VIAC, tỉ lệ tranh chấp có yếu tố FDI trong năm 2022 chiếm khoảng 40%, hầu hết là tranh chấp phức tạp gắn với dự án đầu tư, công trình lớn. Trong khi đại diện VCCI nêu khó khăn lớn nhất nhà đầu tư phản ánh là trở ngại về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thủ tục thẩm định, thẩm duyệt dự án...
Theo luật sư Châu Việt Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm VIAC tại TP HCM, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó không ít FTA đi kèm với hiệp định về bảo hộ đầu tư. Nếu một vấn đề pháp lý của nhà đầu tư không được bảo đảm, giải quyết dứt điểm có thể dẫn đến kiện tụng quốc tế. Do đó, điều này cần được các cơ quan quản lý, trong đó có TP HCM quan tâm, phòng tránh tối đa.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam như Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (Icham), Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV)… đều mong muốn cơ quan quản lý quan tâm, hỗ trợ xử lý các vướng mắc pháp lý nhiều hơn cho nhà đầu tư khi đầu tư, làm ăn ở TP HCM và cả nước.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, nhắc đến thu hút vốn FDI mọi người thường đề cập tới tiềm năng, lợi thế và thu hút được bao nhiêu vốn, trong khi vấn đề pháp lý trong đầu tư thường ít được chú ý nhưng lại rất quan trọng để giữ chân nhà đầu tư lâu dài.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Trọng tài viên VIAC, nói trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia hoạt động theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, khi nói về đầu tư FDI không nên chỉ đếm số vốn đầu tư và số lượng dự án mà quan trọng là tính lan tỏa cao và tạo ra giá trị để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác ở nhiều lĩnh vực. "TP HCM có lợi thế không chỉ là trung tâm của cả nước mà còn của cả khu vực với nhiều thế mạnh về dịch vụ hạ tầng, vui chơi giải trí, đào tạo nguồn nhân lực...
Rất nhiều nhà đầu tư EU quan tâm tới Việt Nam, trong đó có TP HCM. Họ muốn đưa thành phố trở thành trung tâm phân phối của khu vực, nhập khẩu hàng từ nước ngoài về và phân phối lại cho các khu vực khác. Có điều, cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, quỹ đất của thành phố còn nhiều để phát triển trung tâm logistics và các chính sách liên quan không?" - ông Nguyễn Hải Minh nói.
Riêng với thuế tối thiểu toàn cầu, đại diện Eurocham nói rằng các nhà đầu tư EU không quan tâm tới vấn đề này nhiều mà quan trọng là khi tới Việt Nam, tới TP HCM thì thể chế, cơ sở hạ tầng ra sao? Nếu triển khai thu thuế tối thiểu toàn cầu thì có minh bạch không, chi phí hoàn thuế có cao không?...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-7
Bình luận (0)