Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 mang lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp nền công nghiệp Việt Nam chuyển mình lên tầm cao mới.
Các KCN phải sẵn sàng
Qua đại dịch Covid-19, thế giới nhận thức rõ về sự nguy hiểm do phụ thuộc quá mức vào sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc từ vật tư y tế, máy thở đến điện thoại thông minh. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là yếu tố thúc đẩy các DN quốc tế đang có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc nhanh chóng thực hiện chiến lược "Trung Quốc +1" đã xây dựng trước đó.
Khu nhà xưởng xây sẵn tại KCN Long Hậu (tỉnh Long An).Ảnh: TẤN THẠNH
Việt Nam đang có cơ hội lẫn lợi thế về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn mới, đòi hỏi chúng ta kịp thời nắm bắt và có những chính sách dài hạn giúp nâng nền sản xuất công nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới. Các KCN cần tiếp tục ưu tiên lựa chọn những ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở tất cả lĩnh vực, đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ, chất xám của người lao động Việt Nam. Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ cao, khoa học tiên tiến vào sản xuất và nhanh chóng triển khai thực thi chính sách này đến DN. Đồng thời, khuyến khích DN FDI hợp tác với DN trong nước hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa; ngăn chặn những ngành sản xuất với máy móc, công nghệ lạc hậu, nguy hại đến môi trường.
Đối với những dự án KCN đã được phê duyệt hoặc KCN hiện hữu còn quỹ đất chưa khai thác, chủ đầu tư cần tập trung triển khai đồng bộ hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư mới. Riêng những dự án KCN đã được giao cho nhà đầu tư nhưng chưa triển khai đúng theo kế hoạch cam kết và đã kéo dài nhiều năm, cơ quan quản lý có thể thu hồi để giao lại cho nhà đầu tư khác có năng lực triển khai, năng lực thu hút FDI ngành sản xuất cao hơn hoặc có cơ chế hợp tác đầu tư phù hợp.
Về quy hoạch phát triển KCN mới nhằm đáp ứng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia, Chính phủ nên chuyển đổi các khu quy hoạch đất nông nghiệp ven biển có giá trị khai thác thấp do nhiễm mặn, hạn hán… thành quy hoạch đô thị công nghiệp, tập trung đầu tư hệ thống giao thông công cộng của khu vực, kết nối thuận lợi giữa KCN, sân bay, cảng biển theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Cần sự hỗ trợ đồng bộ
Trong khi đó, để thu hút sản xuất hiệu quả, các KCN cần chuyển đổi phù hợp. KCN không chỉ là khu đất được đầu tư hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải… để nhà đầu tư tự xây dựng nhà máy sản xuất theo nhu cầu như trước mà còn là mô hình các khu nhà xưởng xây sẵn cho thuê với nhiều diện tích, đáp ứng đa dạng quy mô sản xuất của nhiều ngành nghề, nhiều DN. Ngoài ra còn có thể phát triển các khu sản xuất cao cấp kiểu mới tương tự như loại hình văn phòng làm việc có dịch vụ, khu căn hộ dịch vụ, nhà ở cao cấp. Việc chuyển đổi mô hình KCN, không chỉ thuận lợi thu hút FDI mà còn tạo cơ hội cho nhiều DN sản xuất nhỏ và vừa của Việt Nam tập trung vào KCN sản xuất hiệu quả, duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển nền công nghiệp Việt Nam trong thời đại mới.
Đặc biệt, khi dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, nhà đầu tư thường không muốn mất thời gian và tốn kém đào tạo chuyên gia kỹ thuật mà mang theo đội ngũ chuyên gia của mình hoặc chỉ sử dụng lao động tay nghề cao tại chỗ. Do đó Việt Nam cần phải mở rộng, tạo điều kiện cấp phép lao động chuyên gia nước ngoài thuận lợi, nhanh chóng hơn, có cơ chế giám sát để không làm mất cơ hội cho người lao động Việt Nam. Song song đó, cần cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo cho người lao động trong nước ý thức học hỏi liên tục, phát triển năng lực trong thời kỳ mới, nâng cao tay nghề, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và năng suất lao động.
Ngoài chất xám, nguồn lao động địa phương thì nguồn nguyên vật liệu để thay thế nguyên liệu Trung Quốc cũng là vấn đề DN FDI quan tâm. Đây là cơ hội vàng cho DN trong nước tiếp cận, cung cấp nguyên vật liệu. Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ thiết thực giúp DN ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có cơ hội sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu kịp thời, bảo đảm chất lượng và giá cạnh tranh với các quốc gia khác.
Luật phải theo kịp xu hướng phát triển
Pháp luật về bảo vệ môi trường tại Việt Nam ngày càng cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi giúp nhà đầu tư thực thi đúng quy định. Tuy nhiên, sự chuyển đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và dịch Covid-19 sẽ tiếp tục phát sinh nhiều nhu cầu, ngành nghề mới trong tương lai. Việc phê duyệt, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường cần phải theo kịp xu hướng phát triển và điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch ngành nghề tại các KCN khi có phát sinh.
Bình luận (0)