Vào tháng 7, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp (DN) và giới chuyên gia đều chỉ đưa ra dự báo lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tối đa trong năm chỉ 7 triệu tấn bởi Việt Nam chỉ còn những vụ thu hoạch phụ. Ngoài ra, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cũng khiến gạo trong nước phải cung cấp thêm cho các DN, cơ sở chế biến bún, bánh phở... nên ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu.
Thế nhưng, thực tế là lượng gạo xuất khẩu vẫn tăng và thặng dư lên tới 3,28 tỉ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ. Lý giải về điều này, TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng - Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng Việt Nam có lợi thế về trồng lúa nên không lo thiếu gạo.
"Tôi đi khắp các vùng trồng lúa, nông dân đâu đâu cũng phấn khởi khi giá lúa lên mức 9.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Giá lúa cao nên vùng nào trồng được lúa bà con đều tranh thủ trồng, chịu khó chăm sóc dẫn tới sản lượng cao" - ông Sô nói.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cũng cho rằng thành quả xuất khẩu trên cho thấy nông dân đã chớp được thời cơ, đẩy mạnh sản lượng khi thế giới có nhu cầu lớn.
"Gạo Việt Nam có chất lượng tốt hơn nên thế giới chấp nhận mua giá cao. Tôi thấy một số DN có kêu ca về việc gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 50 - 100 USD/tấn là kém cạnh tranh nhưng tôi cho rằng đây là đúng giá. Việt Nam nên nhân cơ hội này để xác lập phân khúc mới với mặt bằng giá mới" - ông Chín nói.
Ông Chín phân tích thêm gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều hiện nay không phải là loại gạo hạt trắng dài bình thường mà gạo trắng hạt dài cao cấp từ các giống như: OM18, Đài Thơm 8, Jasmine... ngon cơm hơn gạo trắng hạt dài Thái Lan. Gạo Việt Nam xứng đáng có giá tương đương gạo trắng hạt dài của Mỹ, thường có giá khoảng 650 USD/tấn.
Cũng theo ông Chín, các DN không nên theo chiến lược cạnh tranh giá rẻ, ký trước những hợp đồng bán gạo giá thấp sau đó về "ép" giá gạo của nông dân.
Bình luận (0)