Virus corona chủng mới (Covid-19) gây viêm đường hô hấp cấp lây lan qua đường tiếp xúc thông thường, do đó tiền mặt có thể trở thành nguồn lây bệnh nếu có người nhiễm và truyền virus vào tiền thông qua tiếp xúc, nhất là với thói quen sử dụng tiền mặt lên đến 90% dân số ở Việt Nam hiện nay.
Ăn ở nhà, thanh toán online
Hơn 1 tuần qua, từ thời điểm hai cô con gái của chị Mai Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) được nghỉ học ở nhà tránh dịch bệnh, cả nhà chị ưu tiên chơi quanh nhà, hạn chế đi lại bên ngoài nên đặt đồ ăn giao tận nơi, mua hàng trên mạng nhiều hơn…
"Từ đồ ăn uống cho cả nhà, đồ chơi - sách truyện cho bọn trẻ đến nước rửa tay, khẩu trang… hầu hết tôi đều đặt mua qua mạng. Đặt hàng xong, tôi chọn thanh toán qua tài khoản hoặc ví điện tử. Không đến chỗ đông người, cũng không dùng tiền mặt nên đỡ lo bị lây bệnh" - chị Mai Thanh nói.
Tương tự, cũng vì lo sợ đến chỗ đông người có khả năng lây nhiễm Covid-19 nên chị N. (làm việc tại quận 3, TP HCM) chuyển sang gọi món qua ứng dụng (app) thay vì ra ngoài ăn cơm trưa. "Không riêng tôi hạn chế ra ngoài mà các đồng nghiệp cùng cơ quan đều về nhà ăn cơm hoặc gọi món giao tận nơi" - chị N. cho hay.
Người dân có xu hướng mua sắm và thanh toán online để tránh đến chỗ đông người và sử dụng tiền mặt trong mùa dịch Covid-19 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ghi nhận, trong mùa dịch này, người tiêu dùng thành thị còn có xu hướng tăng mua sắm online trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) với nhiều mặt hàng từ khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay đến đồ gia dụng, đồ dùng thiết yếu... Một số dân công sở cũng đua nhau cài đặt ví điện tử hoặc ứng dụng Moblie Banking, Internet Banking để hạn chế tiếp xúc, hạn chế dùng tiền mặt.
Theo khảo sát nhanh từ GoViet, lượng khách đến ăn tại các nhà hàng giảm mạnh từ 30%-50% trong khoảng 2 tuần nay, đặc biệt các nhà hàng quán ăn gần khu vực trường học. Đổi lại, chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 2-2 đến 9-2), có tổng hơn 650.000 đơn hàng được đặt qua GoFood với lượng đơn tăng đều đặn mỗi ngày.
Đại diện Grab cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định ở tất cả dịch vụ trực tuyến tại thị trường Việt Nam kể từ sau khi Chính phủ công bố dịch Covid-19. Để phòng tránh dịch bệnh, Grab thường xuyên khuyến cáo tới các đối tác nhà hàng một số biện pháp bổ sung nhằm bảo đảm an toàn khi chế biến và giao đồ ăn giúp khách hàng yên tâm hơn khi gọi món qua ứng dụng.
Khuyến khích thanh toán trực tuyến
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo, khuyến cáo người dùng nên chuyển sang các giao dịch điện tử để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các vật thể ẩn chứa virus như tiền mặt. Ví MoMo hiện đã tích hợp hàng loạt dịch vụ phục vụ đầy đủ nhu cầu thanh toán 24/7 cho các tiện tích hằng ngày.
Số liệu thống kê của ví MoMo từ sau dịp Tết nguyên đán đến nay cho thấy các giao dịch chuyển tiền (không bao gồm chương trình lì xì) qua ví tăng gấp 2 lần; các giao dịch thanh toán tại quầy (quét mã thanh toán) cũng tăng 100% so với thời điểm trước Tết.
Nhiều NH thương mại cũng khuyến khích khách hàng thanh toán điện tử, đẩy mạnh các kênh thanh toán qua NH số nhằm phòng tránh Covid-19. Đại diện NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết với dịch vụ NH số, khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch chỉ với 1 thiết bị điện tử có kết nối mạng. Mọi thao tác đều có thể thực hiện online như tra cứu số dư, chuyển khoản, giao dịch nạp tiền hay thanh toán các loại hóa đơn gia đình. Người dùng NH số chỉ cần ở nhà vẫn có thể tiếp cận được với các dịch vụ tài chính như gửi tiết kiệm, vay tiền…
NH TMCP Nam Á ngoài việc trang bị khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn tại tất cả điểm giao dịch để phòng ngừa dịch bệnh còn khuyến khích khách hàng sử dụng tiện ích trên các sản phẩm NH điện tử để giao dịch (Open Banking, Internet Banking, Mobile Banking…). "Sử dụng dịch vụ NH điện tử sẽ giúp khách hàng giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, 24/7 mà không cần tới NH, góp phần hạn chế Covid-19 lây lan…" - đại diện NH này nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán đến nay, hoạt động thanh toán tại quầy có chậm hơn cùng kỳ do ảnh hưởng từ Covid-19. Trong khi đó, thanh toán qua các kênh không dùng tiền mặt như ATM, Internet Banking, Mobile Banking, Sacombank Pay… lại tăng khoảng 50% so với cùng kỳ khi nhu cầu thanh toán cá nhân đang đà tăng cao.
"Thanh toán online qua các kênh NH điện tử ngày càng phổ biến, tiện lợi hơn nên được người dùng ưa chuộng nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Khi khách hàng không muốn tiếp xúc nơi đông người, phòng tránh lây lan mà các giao dịch với NH, thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ vẫn diễn ra… là dịp để thanh toán điện tử lên ngôi" - ông Nguyễn Minh Tâm nhận xét.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo người dân nên chuyển dần sang phương thức thanh toán số, TMĐT để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Để khuyến khích khách hàng giao dịch online, một số NH tiếp tục duy trì chính sách không thu phí đăng ký, phí duy trì dịch vụ qua Moblie Banking, Internet Banking…
Đặt mua sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng mạnh
Về phía các sàn TMĐT, Shopee ghi nhận trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người dùng đã lựa chọn phương thức mua sắm online vì những tiện ích thuận lợi như chỉ cần ngồi tại nhà, sử dụng các thiết bị điện tử để lựa chọn hàng hóa, đặt mua và sau đó được giao tới tận nơi mà không phải ra ngoài. Lazada không chia sẻ con số tăng trưởng cụ thể nhưng cũng cho hay nhu cầu mua sắm của khách hàng đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng đáng kể, đặc biệt là khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Các ngành khác chưa ghi nhận mức tăng trưởng đột biến do tình hình dịch bệnh nhưng tốc độ tăng chung cũng khá tốt. Tương tự, các đơn hàng mua khẩu trang qua Tiki tăng gấp nhiều lần so với trước.
Bình luận (0)