Hội nghị thường niên các nhà đầu tư VinaCapital diễn ra ngày 15-10 ở TP HCM đã thu hút hơn 100 nhà đầu tư lớn đến từ các nước.
Nhiều thuận lợi
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, cho rằng tổng quan về kinh tế Việt Nam năm nay có nhiều dấu hiệu tích cực, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội để các nhà đầu tư bỏ vốn mở nhà máy, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các nước, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Ngoài ra, bất động sản đang phát triển khá, phần lớn nhờ tín dụng cho bất động sản được hỗ trợ tích cực với tăng trưởng khoảng 15%-17% trong năm nay. Tỉ giá dù có biến động nhưng so với USD vẫn còn giảm. Trong khi đó, GDP của Việt Nam tăng đều mà lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. Lãi suất trên đà đi xuống và 3 năm qua, VNĐ chỉ mất giá 8% trong khi các nước như Malaysia mất đến 40%. Điều này rất có ý nghĩa cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
“Gần đây, các tập đoàn lớn như Intel, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Hiện 80% các sản phẩm con chip, CPU của Intel trên toàn cầu là sản xuất tại Việt Nam; còn Tập đoàn Samsung thì tỉ lệ này là 50%. Việc thu hút FDI là rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam đã thành công trong việc đàm phán TPP, nên đây sẽ là cơ hội để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào Việt Nam” - ông Andy Ho nhận định.
“Sức hút” của thoái vốn
Tâm điểm của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây chính là việc Chính phủ đưa ra quyết định giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 DN lớn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết việc Chính phủ yêu cầu SCIC thoái vốn là một trong những nội dung tái cấu trúc DN nhà nước, bước tiếp theo của cổ phần hóa. Điều này sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho DN, đồng thời tạo ra nguồn vốn lớn cho Chính phủ để tiếp tục tái cơ cấu DN khác. “Tới đây, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn ở các DN nhà nước, đặc biệt là những DN đã thành công sau cổ phần hóa, để khẳng định tính hiệu quả của DN chứ không phải Chính phủ thấy cái nào có lợi là “ôm” như nhiều người vẫn nghĩ” - ông Trung nói.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nhận định thời gian tới, cùng với việc thúc đẩy cổ phần hóa DN nhà nước, thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều hàng hóa. Chưa kể, gần đây lượng khách đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM tìm hiểu đầu tư cũng tăng lên 30%-40% so với cùng kỳ. Chưa kể, việc Chính phủ cho phép nới room đến 100% ở một số lĩnh vực khiến nhà đầu tư nước ngoài càng phấn khởi hơn.
Nhiều tín hiệu vui
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam cho rằng việc Việt Nam đàm phán thành công TPP cũng như quy định cho phép nới room 100% đối với một số lĩnh vực kinh doanh theo Thông tư 60 vừa có hiệu lực, cộng thêm “sức hút” từ động thái thoái vốn của Chính phủ tại các DN làm ăn hiệu quả, đang là “sao” trên thị trường chứng khoán, là những tín hiệu vui cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi lâu rồi, các nhà đầu tư lớn rất mong tìm được những DN tốt, có quy mô để đầu tư nhưng hầu hết những DN này đều đã hết room.
Bình luận (0)