Trong vòng 5 năm, từ 2008-2012, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nga đã tăng gấp 2 lần. Riêng năm 2013, kim ngạch trao đổi giữa 2 nước đạt gần 2,76 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Nga hơn 1,9 tỉ USD. Đây là thông tin đưa ra tại hội thảo “Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại vào Nga” tổ chức tuần qua tại TP HCM.
Thuế quan được giảm nhiều
Tính đến hết tháng 6-2014, Nga đứng thứ 18 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp đạt gần 2 tỉ USD, tập trung vào dầu khí, công nghệ cao, chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải… Nga cũng là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với 17 dự án, tổng số vốn 2,4 tỉ USD, tập trung vào khai thác dầu khí, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày. Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổ chức có nhiều kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Nga - cho biết Việt Nam xuất sang Nga chủ yếu hàng nông thủy sản, dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến sẵn, vật liệu xây dựng… Với tâm lý ưa chuộng sản phẩm tiêu dùng phong phú từ các nước châu Á, không khắt khe về chất lượng, khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan được ký kết, Nga sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mang lại cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, một số mặt hàng xuất khẩu sang Nga theo lộ trình cam kết WTO sẽ được giảm thuế, thấp hơn mức 30%-50% hiện tại. Hơn nữa, hàng Việt Nam sang Nga còn được giảm thêm 25% thuế so với mức thuế Nga cam kết khi FTA với liên minh hải quan nói trên được ký kết. Đó là cơ hội lớn giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nga có thêm lợi thế. Khi đó, hàng Việt không chỉ vào Nga, mà còn rộng cửa tiến vào các thị trường khác. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kim ngạch thương mại song phương và đầu tư giữa Việt Nam - Nga vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và thực lực của hai bên.
Thiếu đầu mối giao thương
Cơ hội đưa hàng Việt vào Nga đang rộng mở nhưng theo nhiều chuyên gia, để chiếm lĩnh được thị trường này, các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất là do DN xuất khẩu Việt Nam chưa có nhiều đầu mối giao dịch tập trung, ổn định tại thị trường này nên bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, bởi vậy, việc điều chỉnh kịp thời, có chiến lược phù hợp phục vụ khách hàng Nga sẽ gặp khó khăn. Hiện việc trao đổi hàng hóa giữa 2 nước chủ yếu do các DN tư nhân và tư thương người Việt ở Nga thực hiện nên thiếu bài bản.
Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập vào thị trường này dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ các quốc gia khác. Chưa kể hàng hóa các nước có lợi thế về thương hiệu, uy tín, mẫu mã và giá cả; đặc biệt, vấn nạn hàng giả, hàng lậu tràn lan càng gia tăng sức ép cạnh tranh với hàng Việt tại thị trường này. Ông Trần Bắc Hà đề nghị các DN Việt đang có ý định hoặc kế hoạch xúc tiến đầu tư vào Nga cần nghiên cứu kỹ các cơ chế, chính sách, các văn bản của FTA để chủ động xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường; cần chú trọng xây dựng hình ảnh DN Việt tại Nga, phát triển hình ảnh một DN tại nước sở tại hơn là DN nước ngoài và tích cực hợp tác với DN bản địa…
Bình luận (0)