Trước hội thảo, ban tổ chức đã thành lập đoàn khảo sát thực tế tại các tỉnh thành ĐBSCL. TS Trần Anh Sơn, Phó trưởng Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa (ĐHQG TP HCM), thành viên đoàn khảo sát, đánh giá sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nhỏ lẻ, tự phát, thủ công, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, tổn thất trong nông nghiệp về khối lượng và giá trị trên 15%/năm (tương đương 5,26 tỉ USD/năm).
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng nhưng còn nhiều khó khăn do ngành cơ khí trong nước yếu kém, hầu hết máy móc thiết bị phải nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) trong nước ít tham gia lĩnh vực này nên năng lực sản xuất thấp, giá thành cao, chưa xứng với quy mô nông nghiệp. Các khâu sản xuất, kho bảo quản, logistics còn nhiều rào cản. Không những vậy, cơ chế phối hợp, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng còn nhiều hạn chế.
Một số máy móc, thiết bị ngành nông nghiệp được giới thiệu tại hội thảo
Ông Nguyễn Thể Hà, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ, cho biết có 3 vấn đề lớn trong ngành nông nghiệp cần phải giải quyết là tổn thất, năng suất và chất lượng. Nếu khắc phục được tổn thất thì mỗi năm sẽ thu về khoảng 5-6 tỉ USD. "Một số máy móc Việt Nam sản xuất tốt hơn hàng ngoại nhập. Chẳng hạn máy sấy, máy xay xát đang cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường. Thế nhưng, cái khó hiện nay là mối liên kết giữa các nhà chưa thật sự hiệu quả" - ông Nguyễn Thể Hà nêu và kiến nghị thành phố tham gia với vai trò là thủ lĩnh điều hành, DN và Sở Khoa học - Công nghệ cũng như các trường đại học bắt tay vào làm để tạo ra sản phẩm hiệu quả nhất. Đồng tình với đề xuất trên, ông Phan Hiếu Hiền, cựu cán bộ giảng dạy Khoa Cơ khí - Công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng cần phải có người chịu trách nhiệm, thủ lĩnh để đưa các đề án liên kết đi vào đời sống.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để có máy móc tốt cho nông dân, Trường ĐH Bách khoa và DN cần bắt tay giải quyết khâu cơ giới hóa. "Một thực tế đáng ngại là đất lúa cày bừa nhão nhuyễn phá vỡ cấu trúc xốp của đất nhưng khi mất nước thì bị khô, nứt nẻ. Ngành cơ khí cần nhanh chóng đưa ra mô hình và công cụ giúp đất trở về cấu trúc ban đầu" - ông Võ Tòng Xuân đặt hàng.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho biết sản xuất tại TP HCM chỉ đáp ứng 15% về thịt, 20% thủy sản, rau quả 30% của người dân TP, còn lại phải mua từ các địa phương khác. Vì vậy, việc gắn kết tốt và hiệu quả với các địa phương rất quan trọng. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu ra cho nông sản không chỉ vấn đề của ĐBSCL mà của cả TP HCM. Theo ông Lê Thanh Liêm, TP đang xúc tiến nhiều chương trình cho nông nghiệp và sẽ cùng ĐHQG TP HCM lập tổ công tác để giải quyết nhanh các vấn đề trước mắt mà DN đặt ra.
Bình luận (0)