Có những việc hai bên tự thỏa thuận được, song không ít trường hợp phải nhờ chính quyền can thiệp và dẫn nhau ra tòa.
Đưa nhau ra tòa vì giá lúa
Đầu tháng 3, nông dân ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng bị một “cò lúa" tên là Mẫn ở xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp kiện ra tòa vì không thực hiện hợp đồng ký kết. Nguyên nhân là khi ký hợp đồng, hai bên thỏa thuận mua lúa với giá 4.700 đồng/kg nhưng đến thời điểm thu hoạch giá lúa tăng lên 5.400 đồng/kg, người dân đề nghị tăng thêm nhưng ông Mẫn không chấp nhận và nảy sinh tranh chấp. Khi hòa giải tại tòa án huyện, hai bên không thỏa thuận được mức giá vì hợp đồng chỉ ghi chung chung, không cụ thể tỷ lệ là bao nhiêu.
Ông Trương Văn Đang, ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, cho biết lúc lúa mới trổ bông thì “cò” Mẫn tới ruộng và đặt mua với giá là 4.700 đồng/kg nhưng khoảng 20 ngày sau giá lúa bắt đầu tăng lên rất cao. Lúc này, ông Đang kêu “cò” Mẫn vô thương lượng giá, nâng lên một ít.
Thế nhưng, “cò” Mẫn không hề đến. Khi lúa chín, ông Đang cắt và bán cho người khác. Lúc này, “cò” xuất hiện và cho rằng ông Đang “bẻ kèo”, bắt ông phải bồi thường 1 công (1.000m2) là 600.000 đồng… “Tôi là nông dân, làm ra hạt lúa đã quá khổ, không biết chuyện hợp đồng, kiện tụng gì hết. Thế mà giờ làm ra hạt lúa còn bị thưa kiện thiệt khổ”, ông Đang nói.
Tương tự, mới đây 8 hộ dân ngụ ấp Xẻo Lùng, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng đã phải bồi thường cho ông Đặng Mạnh Hoài, một “cò” lúa đến từ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, do không bán lúa theo hợp đồng ký kết. Nguyên nhân cũng do giá chênh lệch giữa thời điểm nhận cọc và thu hoạch.
Hợp đồng mua bán giữa ông Đặng Mạnh Hoài và người đại diện cho các hộ dân ấp Xẻo Lùng quy định trách nhiệm của bên bán là nông dân sẽ trả lại tiền cọc khi bên mua không chấp nhận mua lúa... Thỏa thuận trừ tiền hoặc trừ sản lượng khi bên mua cho rằng lúa cắt còn ướt và được bồi thường gấp đôi tiền đặt cọc khi bên bán không giao lúa. Thế nhưng, về phía bên mua lại không có quy định nào ràng buộc nếu họ không mua lúa!
Cần tổ chức đại diện cho nông dân
Ông Lê Văn Nam ở xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, cho hay gia đình ông có 3ha lúa, trước thời gian thu hoạch khoảng 10 ngày đã có người đến xem lúa và ấn định ngày thu hoạch. Cách làm này cũng có lợi vì gia đình không phải tìm người cắt, mua lúa. Tuy nhiên, sau khi đạt được thỏa thuận, đến ngày cắt lúa thì họ bắt đầu ép giá. Lúc đó, không còn cách nào hơn là phải bán cho họ, bởi không một ai đến mua lúa của gia đình nữa.
Ông Nam bức xúc: “Khi họ đến xem lúa thì nói gì nghe cũng tốt, cũng hay nên mình đồng ý ngay. Thế nhưng, khi lúa đã chín rộ thì họ không chịu cho máy xuống cắt lúa và lấy lý do máy bận, kéo dài thêm 4 - 5 ngày nữa để lúa chín khô mới cắt. Năng suất lúa bị giảm đã thiệt thòi, họ lại quay sang chê hạt lúa không tốt để ép nông dân phải hạ giá bán”.
Hợp đồng mua bán là sự thỏa thuận bằng văn bản giao dịch quy định về quyền và trách nhiệm của các bên ký kết, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan pháp luật giải quyết khi có phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện. Vì vậy, người dân hết sức thận trọng và khi ký kết cần có tham vấn của chính quyền địa phương, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Các hội, đoàn thể cũng cần có kế hoạch trang bị kiến thức pháp luật cho bà con nông dân để họ biết những thỏa thuận khi bán lúa nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Thái Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), vừa qua trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng tranh chấp hợp đồng kinh tế. Hầu như nông dân chỉ tin người đại diện, nhưng những người này cũng là nông dân, kiến thức pháp luật rất mơ hồ nên thường xuyên bị “cò” lợi dụng, gây sức ép. Do nhóm “cò” trực tiếp đến ruộng đặt cọc với nông dân nên cũng rất khó quản lý.
Sắp tới, huyện Giồng Riềng yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn, khi phát hiện hoặc nhận tin báo từ người dân, sẽ chuyển về huyện để có biện pháp xử lý đối tượng này, qua đó nhằm ổn định lại giá lúa trên địa bàn, giúp nông dân yên tâm lao động sản xuất.
Tỉnh Kiên Giang hiện đang khuyến khích nông dân tham gia vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, cùng nhau hình thành các dịch vụ phục vụ sản xuất để chủ động trong các khâu từ bơm tát, chăm sóc, thu hoạch; mở rộng mối liên kết sản xuất. Có như vậy, tình trạng “cò” lúa, “cò” máy cắt sẽ bị loại bỏ.
Bình luận (0)