Ngày 26-10, Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn – SCB thông báo lãi suất tiền gửi dành cho cá nhân tham gia mở mới sản phẩm "Tiền gửi Online".
Theo đó, người gửi tiết kiệm trực tuyến được hưởng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng 8,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng 9,15 %/năm, đặc biệt lãi suất kỳ hạn từ 15 tháng trở lên đều 9,3%/năm - mức cao nhất trên thị trường hiện nay.
Riêng khách hàng gửi tiền trực tiếp tại quầy của SCB, lãi suất cao nhất là 8,8%/năm và được tặng thêm 0,5%/năm khi gửi kỳ hạn 12 tháng, tính ra lãi suất cũng lên đến 9,3%/năm.
Thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tấn Thạnh
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ hôm nay (26-10). Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng, kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất 6%/năm; các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tăng thêm khoảng 1%/năm.
Tại nhiều NH có quy mô nhỏ, lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng đều ở mức 6%/năm. Còn các kỳ hạn dài hơn trong khoảng 8-8%/năm. Thế nhưng, khi khách hàng gửi với số tiền lớn, kỳ hạn dài vẫn có thể đàm phán với NH cộng thêm lãi suất 0,5-1 điểm %.
Trong khi đó, 4 NH lớn bao gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank huy động vốn với lãi suất rất thấp. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn gửi dưới 6 tháng chỉ 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đồng loạt 6,4%/năm.
Lãnh đạo một số NH thương mại cho hay sau nhiều ngày liên tiếp hút tiền về, Ngân hàng Nhà nước đã mạn tay bơm tiền ra thị trường. Theo đó, thông qua kênh tín phiếu, cơ quan này đã đưa vào hệ thống NH thương mại 23.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu vào ngày 25-10.
Riêng kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO), Ngân hàng Nhà nước đã cho hơn 10 tổ chức tín dụng vay hơn 4.900 tỉ đồng. Tổng cộng kênh tín phiếu và kênh OMO, cơ quan này đã bơm vào hệ thống ngân hàng hơn 27.900 tỉ đồng.
Bình luận (0)