Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và công bố theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, lãi suất tín dụng trong thời gian từ năm 2012 đến nay dù có xu hướng giảm nhưng chưa tạo dựng được lòng tin thị trường về sự ổn định trong trung và dài hạn, khiến doanh nghiệp giảm động lực thực hiện hoạt động đầu tư trung hạn và dài hạn.
Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 tiếp tục cắt giảm tỉ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém, đồng thời, kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm...
Đề án cũng nêu rõ sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, với việc sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu. Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng. Từ đó xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, nhất là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm. Tiếp tục triển khai cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và giảm tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại một số ngân hàng cổ phần về mức trên 65%...
Đặc biệt, trong vòng 5 năm tới, sẽ tiến hành cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Trong trường hợp cần thiết, sẽ áp dụng biện pháp phá sản đối với các tổ chức tín dụng yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống. Dự kiến đề án sẽ được báo cáo Chính phủ trong tháng 9-2016 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai khóa XIV.
Bình luận (0)