Đây là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Mua bán Sáp nhập (M&A) Việt Nam 2018, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 8-8 ở TP HCM.
Bán ngân hàng yếu kém cho nước ngoài
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (NH), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Trong đó, đối với NH thương mại, khuyến khích mua bán sáp nhập các NH nhỏ, các tổ chức tín dụng nhỏ vào NH lớn. Đồng thời, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các NH yếu kém đã mua lại hay đang trong kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng mới sửa đổi như NH Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng… và tái cơ cấu một số NH yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt.
"Tới đây, Chính phủ sẽ hạn chế, có thể nói là không cấp thêm giấy phép cho NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Thay vào đó sẽ cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu một NH yếu kém trong diện tái cơ cấu để trở thành NH 100% vốn nước ngoài. Rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước quan tâm đến các tổ chức tín dụng nói trên. Và Chính phủ đang muốn thu hút thêm để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất" - Phó Thủ tướng chia sẻ.
Chính phủ cũng sẽ cổ phần hóa và thoái vốn ở các NH thương mại nhà nước. Một trong những NH lớn nhất Việt Nam là NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã có lộ trình IPO (đấu giá cổ phần lần đầu) vào năm 2019. Đối với NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhà nước có chủ trương bán bớt vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện đã có những thương thảo với các NH và đối tác quan tâm đến thương vụ này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thông qua các hoạt động M&A Ảnh: Lê Toàn
Cùng với NH thương mại, các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân cũng đang được NH Nhà nước xây dựng phương án cụ thể để tái cơ cấu, trình Chính phủ xem xét. Các công ty chứng khoán sẽ được sắp xếp lại theo hướng giảm bớt số lượng, tăng về quy mô và chất lượng.
Tái cơ cấu các công ty nông - lâm trường
Không chỉ lĩnh vực tài chính NH, nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước trong các lĩnh vực khác cũng sẽ được tiến hành đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.
Theo Phó Thủ tướng, ngay một lĩnh vực nhà đầu tư ít quan tâm là tái cơ cấu lại các công ty nông - lâm trường, bằng hình thức cổ phần hóa, cho thành lập công ty TNHH 2 thành viên (có rừng, có đất, có tài nguyên nhưng thiếu quản trị nên cần thêm nhà đầu tư). Trước đây, pháp luật không cho phép nhưng giờ thì khác. Và nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam đã áp dụng mô hình này, lập các dự án rất thành công trong nông nghiệp. Chính phủ còn chủ trương cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ được thu chi thường xuyên (trừ bệnh viện, trường học)…
Và trong bối cảnh này, hoạt động M&A đang thực sự trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cấu trúc nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN nói riêng.
"Chính phủ đang nỗ lực hành động vì một môi trường đầu tư thực sự minh bạch, thuận lợi, khuyến khích hoạt động M&A phát triển cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Hiện tại, Chính phủ đang đôn đốc, rà soát pháp lý để ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU. Dự kiến cuối năm nay, sẽ trình Chủ tịch nước và Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng và khu vực ASEAN tăng cường nội khối…, làn sóng đầu tư qua M&A vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, xác nhận thời gian tới, các DN nhà nước trong nhiều ngành khác như dệt may, thép, VNPT hay cả Agribank cũng sẽ được IPO vào 2019 và đến giờ, những DN này đang triển khai nhanh công tác cổ phần hóa. Quan trọng nhất ở đây là những danh mục đã được rà soát lại, các địa phương phải thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, có vướng mắc phải báo cáo để xử lý.
"Cơ chế chính sách bảo đảm cổ phần hóa đã sẵn sàng. Bài học từ Sabeco là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán luôn đồng hành cùng Bộ Công Thương nên mọi thông tin đều kịp thời, nhanh nhất. Như trong thương vụ Sabeco, không chỉ nhà đầu tư ThaiBev mà mọi nhà đầu tư khác có nhu cầu tìm hiểu, quan tâm thương vụ này đều được chia sẻ thông tin" - ông Tiến nói.
Không có rào cản nào
Số liệu thống kê về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cho thấy trong số 22,9 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới, có tới 4,79 tỉ USD được thực hiện theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, tăng 53,3% so với cùng kỳ. Tính chung trong 10 năm từ 2009 đến nay, đã có trên 4.000 thương vụ M&A được thực hiện với tổng giá trị 48,8 tỉ USD.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định Việt Nam không có bất cứ rào cản nào giữa nhà đầu tư nước ngoài và DN trong nước, trừ các cam kết của WTO mà Việt Nam tham gia. Các DN trong và ngoài nước cùng một hệ thống pháp luật, khi nhà nước tiến hành cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư thì nguyên tắc là bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN.
Bình luận (0)