Đã được UBND TP HCM xếp lịch làm việc để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quyết toán chuyển thể doanh nghiệp (DN) sau khi cổ phần hóa nhưng bị hoãn vào giờ chót, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) lại tiếp tục chờ đợi trong lo lắng việc quyết toán khó có thể hoàn thành trong năm 2019 như mục tiêu đề ra, dù đã kéo dài nhiều năm. Như vậy, việc cổ phần hóa ở DN này vẫn chưa suôn sẻ.
"Mắc kẹt" khâu cuối
Ông Huỳnh An Trung, Tổng Giám đốc Cholimex, cho biết dù công ty đã cổ phần hóa và chính thức chuyển đổi thành DN cổ phần từ tháng 7-2016 nhưng vẫn chưa thể quyết toán chuyển thể DN do "tồn tại một số khó khăn chưa được UBND TP HCM hướng dẫn thực hiện theo đặc thù". Do đó, sự phát triển của DN đã bị ảnh hưởng khá nhiều.
Cụ thể, Cholimex chưa được hướng dẫn phương pháp xác định vốn đầu tư tài chính dài hạn tại các DN; thủ tục pháp lý, chi phí về đất, công tác đền bù giải tỏa của các dự án đầu tư tại KCN Vĩnh Lộc cũng như cách xác định chi phí tương ứng với doanh thu nhận trước (tiền cho khách hàng thuê đất dài hạn) của Công ty TNHH MTV KCN Vĩnh Lộc (công ty con của Cholimex). Không được hướng dẫn nên thủ tục giẫm chân tại chỗ, công ty phải chịu trận, đình trệ các dự án đầu tư. Cholimex là đơn vị đầu tiên của TP HCM cổ phần hóa cùng lúc công ty mẹ - công ty con nên quá trình cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn do chưa có tiền lệ nên có nhiều nội dung cần xử lý, giải quyết chưa được quy định cụ thể. "Chúng tôi cổ phần hóa xong năm 2016, theo quy định lúc đó là định giá đất theo sổ sách nhưng Nghị định 126 có hiệu lực từ đầu năm 2018 lại không chấp nhận định giá theo sổ sách mà yêu cầu phải định giá lại" - ông Trung nói.
Vissan vẫn chưa hoàn tất thủ tục quyết toán chuyển thể doanh nghiệp dù đã cổ phần hóa khá lâu Ảnh: Tấn Thạnh
Cholimex không phải là DN duy nhất của TP HCM chưa quyết toán chuyển thể DN sau cổ phần hóa. Gần như tất cả DN cổ phần hóa từ năm 2013 đến nay tại TP HCM đều cùng cảnh ngộ. Thậm chí, có DN đã cổ phần hóa gần 10 năm vẫn chưa giải quyết xong thủ tục này. Các DN lo ngại càng kéo dài quá trình quyết toán chuyển thể càng gây ảnh hưởng lớn đến DN và cả nhà đầu tư bởi DN đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nhưng vẫn còn một ít vốn nhà nước nên không thể chủ động trong việc định hướng chiến lược kinh doanh triển khai dự án.
Đang ráo riết hoàn tất thủ tục để quyết toán chuyển thể và khẳng định hồ sơ "sạch", không vướng mắc liên quan đến giá trị đất đai nhưng ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), nhìn nhận thủ tục cổ phần hóa đã phức tạp, thủ tục sau cổ phần hóa cũng nhiêu khê không kém, khiến DN mất nhiều năm vẫn chưa xong. Với những DN có vướng mắc thì càng khó.
Theo các DN, cuối năm 2018, Sở Tài chính TP HCM làm việc với lãnh đạo 20 DN đã cổ phần hóa trên địa bàn để "trao đổi, báo cáo, xin hướng dẫn của Bộ Tài chính về các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần". Sau cuộc họp, DN hy vọng những vấn đề của mình sẽ được tháo gỡ nhưng thực tế lại không như mong đợi. DN vẫn không được hướng dẫn thủ tục chuyển thể, tiếp tục kiến nghị, "cầu cứu" nhưng vẫn không được trả lời hay hướng dẫn. "Chúng tôi có cảm giác cổ phần hóa xong là cơ quan chức năng hết trách nhiệm, khép hồ sơ lại mà không quan tâm đến việc giải quyết các thủ tục sau cổ phần hóa cho DN" - lãnh đạo một DN bức xúc.
Càng chậm trễ càng mất cơ hội
Tại Diễn đàn Mua bán, sáp nhập (M&A) DN 2019 mới đây, các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài đều nhận định tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước đang diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng. Còn nhớ năm ngoái, thị trường đã dự báo sẽ là một năm bùng nổ của các thương vụ bán vốn nhà nước nhưng thực tế lại diễn ra khá trầm lắng…
Thống kê của Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán, sáp nhập, đến nay mới chỉ có 27/127 DN trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/QĐ-TTg về danh mục DN nhà nước cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020.
Thực tế, một số DN quá trình cổ phần hóa chậm trễ trong bối cảnh hoạt động kinh doanh không thuận lợi đã làm giảm sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, như trường hợp của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, khẳng định chính sách nhất quán của cơ quan nhà nước là thực hiện sắp xếp, đổi mới DN nhà nước, trong đó có cổ phần hóa, thoái vốn theo tiến độ đã đặt ra. Với một số trường hợp cụ thể, sự chậm trễ và giảm sự hấp dẫn với nhà đầu tư có nguyên nhân khách quan, như Habeco là do có vướng mắc trong cam kết IPO lần đầu. "Quan điểm của nhà nước trong những trường hợp này rất rõ bởi quan trọng là thông tin đến với nhà đầu tư, DN là minh bạch, công khai và có chiều sâu, chất lượng để 2 bên hiểu được tình hình hoạt động của DN cả trong dài hạn nhằm tính và định giá đúng giá trị của DN trong dài hạn" - ông Hồ Sỹ Hùng nói.
Trong khi đó, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đánh giá trong quá trình định giá để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước có vướng mắc liên quan đến đất đai và vướng luôn cả phần xác định giá trị DN để thoái vốn sau cổ phần hóa. Cụ thể, nhiều quỹ đất của DN không có giấy tờ hoàn chỉnh, chỉ có hợp đồng thuê đất, thậm chí hợp đồng đã hết hạn nhưng địa phương tiếp tục đồng ý cho sử dụng và có thể thu hồi bất cứ lúc nào. Trường hợp này rất khó để định giá. "Hay có DN từ khi cổ phần hóa đến nay gần 15 năm, giấy tờ cũng chỉ có hợp đồng thuê đất, biên lai thu tiền sử dụng đất... Giả định, DN có đầy đủ giấy tờ pháp lý, giá trị thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục rà soát và xử lý vấn đề này" - ông Lê Song Lai dẫn chứng.
Ở góc độ khác, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, cũng nhìn nhận thời gian qua, số lượng DN nhà nước được cổ phần hóa tuy chậm lại nhưng chất lượng đang tốt hơn khi các nhà đầu tư rót vốn vào với giá trị lớn hơn. Việc sắp xếp lại DN để bước vào sân chơi mới muốn tốt hơn thì nên dừng lại để nhìn và sửa cho phù hợp. Quá trình cổ phần hóa các DN thời gian qua đã gặp một số vấn đề trục trặc về đất đai nên cần chậm lại, rà soát làm cho đúng nhằm bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư.
TP HCM đẩy mạnh cổ phần hóa
Từ nay đến năm 2020, TP HCM phải cổ phần hóa 39 DN. Theo kế hoạch này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã ban hành Chỉ thị 07 về việc tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN nhà nước và DN có vốn nhà nước.
Theo đó, UBND TP thẳng thắn nhìn nhận quá trình cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 chưa thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; một vài trường hợp xác định lại giá trị để cổ phần hóa DN chưa tính đúng, tính đủ tài sản. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu theo phân công tại một số cơ quan còn phân tán, chưa hiệu quả; công tác quyết toán chuyển thể giai đoạn DN nhà nước còn chậm; việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán còn khó khăn nên tính công khai, minh bạch còn hạn chế.
Theo ông Lê Thanh Liêm, DN cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này đa số có quy mô lớn, phức tạp về tài chính; quản lý, sử dụng nhiều vị trí nhà, đất và nhiều hoạt động liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất. Nhiều DN có tính chất hoạt động liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, công ích của TP; năng lực đơn vị tư vấn định giá được lựa chọn có trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, một số sở, ngành, DN chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai nhiệm vụ, còn tâm lý e ngại, chờ chỉ đạo, không chủ động tham mưu đề xuất xử lý hoặc giải quyết các vấn đề vướng mắc.
UBND TP yêu cầu trong thời gian tới, giám đốc sở, ngành chức năng, chủ tịch UBND quận - huyện và HĐTV các DN nhà nước trực thuộc UBND TP tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN nhà nước và DN có vốn nhà nước. Trong đó, tập trung hoàn thành việc xây dựng, thẩm định và trình UBND TP ban hành Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN nhà nước, làm cơ sở để các đơn vị, DN tổ chức triển khai thực hiện. Phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ công tác cổ phần hóa, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, quyết toán giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần và quyết tâm cổ phần hóa, xử lý nghiêm các vi phạm.
P.Anh
Bình luận (0)