xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cổ phần hóa ngày càng chậm

THY THƠ - MINH CHIẾN

Hà Nội và TP HCM phải giải trình cụ thể với Thủ tướng về nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm xử lý... việc chậm trễ cổ phần hóa

Hà Nội và TP HCM chưa cổ phần hóa (CPH) được doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nào trong năm 2018. Trong đó, Hà Nội đăng ký CPH 14 DN, chiếm 14% tổng số DN phải CPH trong năm của cả nước; TP HCM đăng ký 39 DN, chiếm 44%.

Vướng mắc lớn từ đất đai

Ngày 20-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban Đổi mới quản lý DN TP HCM, cho biết ông đang trên đường ra Hà Nội tham dự hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay (21-11).

Hành trang ông Sang mang theo là các vướng mắc, khó khăn khi xác định tài sản DN, phương án sử dụng đất, chào bán cổ phần… nhằm bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước. "Đặc biệt là kiến nghị Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn bán cổ phần theo phương thức dựng sổ (book building) - một phương thức khách quan và tối ưu với DN CPH khi chào bán cổ phần lần đầu. Theo đó, DN phát hành phối hợp với đơn vị bảo lãnh phát hành cổ phần để tạo lập, tiếp nhận, đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư nhằm điều chỉnh, quyết định mức giá chào bán, nhận định hiệu quả của việc phát hành cổ phần lần đầu" - ông Sang cho biết thêm.

Cổ phần hóa ngày càng chậm - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp công ích TP HCM đang chậm tiến độ cổ phần hóa Ảnh: Tấn Thạnh

Theo Ban Đổi mới quản lý DN TP HCM, TP đã kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh tiến độ CPH và đã được chấp thuận. Cụ thể, trong số 39 DN TP HCM phải CPH thì năm 2019 sẽ thực hiện CPH 32 DN, năm 2020 thực hiện tiếp 7 DN còn lại. TP HCM đã nhiều lần trình bày và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình CPH DNNN.

Theo đó, việc chuyển giao tài sản, mặt bằng còn phức tạp do tranh chấp, tiêu tốn nhiều thời gian vì phải xin ý kiến cơ quan thẩm quyền tỉnh, TP khác đối với tài sản, đất đai của DN CPH đang quản lý, sử dụng ngoài địa bàn TP HCM. Mặt khác, quy định ủy quyền quản lý vốn nhà nước thông qua người đại diện luôn tiềm ẩn rủi ro.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, cũng đánh giá vấn đề đất đai rất phức tạp, mất nhiều thời gian trong quá trình CPH. Bên cạnh đó, quá trình CPH DN cũng cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện CPH. "Việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND các địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định nên DN phải điều chỉnh tiến độ CPH" - ông Đặng Quyết Tiến nêu thực tế.

Ông Tiến dẫn chứng một số DNNN hoạt động kinh doanh không đúng ngành nghề, chủ yếu cho thuê đất nên việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai khá phức tạp. Như trường hợp Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim), CPH từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán CPH do vướng mắc về đất đai.

Trước thực tế đó, Cục trưởng Cục Tài chính DN kiến nghị các DNNN thuộc diện CPH cần rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng trình UBND địa phương về phương án và giá đất trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước, minh bạch khi CPH.

Cơ quan thẩm quyền "chùn tay"

Lãnh đạo UBND TP HCM đánh giá quá trình thực hiện CPH DNNN phát sinh nhiều vấn đề mới. Một trong những trở ngại là DN chưa có hướng dẫn biện pháp chế tài đối với các tổ chức tư vấn xác định giá trị DN, tư vấn phương án CPH nếu các tổ chức này xác định không đúng giá trị tài sản hoặc tỉ lệ cổ phần bán ra không đạt theo phương án phê duyệt…

Đặc biệt, việc xác định giá trị đất, giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế vị trí địa lý để đưa vào giá trị DN còn gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, Bộ Tài chính quy định chi phí CPH không quá 500 triệu đồng đối với DN có giá trị trên 100 tỉ đồng cũng gây khó khăn cho DN bởi thực tế, sau khi thương thảo với các đơn vị tư vấn, những DN công ích ở TP HCM dự toán kinh phí CPH ít nhất là 1,1 tỉ đồng.

Phân tích nguyên nhân chậm CPH dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng địa phương chưa nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. "Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN; chưa công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH" - ông Tiến nói. Theo ông Tiến, Hà Nội và TP HCM sẽ phải giải trình cụ thể với Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm xử lý…

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, đánh giá cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động CPH chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng cốt lõi của việc CPH DNNN là các cơ quan có thẩm quyền "chùn tay" khi phê duyệt giá trị tài sản (chủ yếu là bất động sản) để từ đó tiến tới định giá DN. "Nếu chẳng may việc định giá tài sản, giá trị DN không chính xác, làm tổn thất nguồn lực nhà nước thì người phê duyệt phải chịu trách nhiệm" - phó chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán tại TP HCM nhận định. 

Hà Nội chưa xong nhiệm vụ thoái vốn

Theo Bộ Tài chính, một loạt đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn nhà nước năm 2017 với số lượng DN và giá trị lớn. Trong đó, Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với tổng giá trị thoái khoảng 7.000 tỉ đồng; Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8 DN với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 2.400 tỉ đồng. Hà Nội tiếp tục là địa phương chưa hoàn thành thoái vốn tại 17 DN với số vốn hơn 526 tỉ đồng.

M.Chiến

Mới có 9 DN được phê duyệt phương án CPH

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về tình hình CPH cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2018, mới có 9 DN được phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 29.408 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.181 tỉ đồng. Trong 9 DN này, có 2 DN báo cáo tình hình thực hiện bán CPH lần đầu là Công ty TNHH MTV ĐTXD Vạn Tường (Quân khu 5) và Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTV cab). Tuy nhiên, VTV cab bán đấu giá không thành công.

Một số DN bán đấu giá cổ phần lần đầu có giá trị lớn như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam... Tính từ năm 2016 đến tháng 7-2018, đã có 152 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu với tổng giá trị bán ra 21.313 tỉ đồng, thu về 32.757 tỉ đồng.

Về thoái vốn, trong 7 tháng đầu năm 2018, các DN đã thoái được 3.567 tỉ đồng, thu về 8.600 tỉ đồng. Riêng các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư thoái được 1.122 tỉ đồng, thu về 1.435 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến nay cũng đã chuyển 11.500 tỉ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và ngân sách nhà nước theo nghị quyết về sắp xếp DN của Quốc hội. Ngoài nhiệm vụ tại nghị quyết này, số còn lại phải chuyển về ngân sách là 135.000 tỉ đồng, trong đó kế hoạch năm 2018 còn phải chuyển 40.000 tỉ đồng.

P.Nhung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo