Ngày 10-8-1991, Bộ Xây dựng có quyết định chuyển Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài thành Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng VN (Vinaconex). Sau đó đến ngày 24-11-2006, cơ quan này lại có quyết định chuyển Vinaconex thành Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng VN (Vinaconex JSC).
Sau khi cổ phần hóa, Vinaconex JSC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với bộ máy tổ chức gồm các phòng ban chức năng đại diện, 5 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 72 doanh nghiệp thành viên, trong đó tổng công ty giữ cổ phần chi phối của 45 doanh nghiệp.
Giá trị thực tế của Vinaconex để cổ phần hóa do Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) xác định tại thời điểm 1-1-2005 là 3.300 tỉ đồng, giá trị thực tế phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp là 998,7 tỉ đồng. Số liệu này đã được Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt và công bố chính thức. Thế nhưng VACO không trực tiếp kiểm kê, phân loại tài sản, công nợ mà chỉ căn cứ vào các biên bản kiểm kê tài sản của đơn vị được kiểm toán. Trong khi đó, sổ sách kế toán của Vinaconex chưa được người lập biểu, kế toán trưởng ký duyệt.
VACO còn giúp Vinaconex JSC xác định giá trị quyền sử dụng đất (bao gồm ba nhà văn phòng) không hề có trong quy hoạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Trong khi đó, đơn vị kiểm toán này lại không xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để xây dựng một số tòa nhà tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Thanh tra Chính phủ cho rằng để xảy ra sự việc này, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Vinaconex và cả VACO.
Cũng theo kết quả điều tra, trong quá trình cổ phần hóa, Vinaconex JSC đã thực hiện một số công việc không đúng trình tự thủ tục, gây lãng phí tiền nhà nước. Trong đó, Vinaconex đã đưa 11,8 tỉ đồng giá trị quyết toán của Dự án Nhà máy Bê tông dự ứng lực tại Đăk Lăk vào tổng giá trị tài sản không cần dùng của công ty để loại khỏi giá trị doanh nghiệp nhưng chưa được chấp thuận bằng văn bản của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước là trái quy định.
Vinaconex còn sử dụng số tiền 1.082,9 tỉ đồng giá trị vốn nhà nước chưa xử lý tại thời điểm bàn giao sang Công ty cổ phần Vinaconex JSC. Trong đó, có trên 810 tỉ đồng tiền thặng dư bán cổ phần lần đầu, 6,7 tỉ đồng vốn nhà nước còn lại doanh nghiệp, 73 tỉ đồng vốn Nhà nước bổ sung từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chuyển thành công ty cổ phần… Biết là trái các quy định về cổ phần hóa nhưng đến đầu tháng 12-2008, Vinaconex JSC vẫn chưa nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền trên.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm tại các công ty thành viên của Vinaconex. Chẳng hạn Công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex 2) tại thời điểm cổ phần hóa được giao quản lý sử dụng 674,07 m2 đất tại 52 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội, nhưng mới xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp 160,71 m2 (6,6 triệu đồng một m2). 513,4 m2 đất còn lại chưa được đưa vào giá trị doanh nghiệp. Công ty này cũng được giao quản lý sử dụng 25.717 m2 đất tại Mê Linh, Vĩnh Phúc, nhưng không xác định giá trị quyền sử dụng vào giá trị doanh nghiệp.
Còn Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ Vinaconex (VISCO) lỗ suốt 3 năm trước khi cổ phần hóa nhưng lập báo cáo là có lãi.
Ngày 5-9 vừa qua, gần 150 triệu cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex JSC) chính thức được giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã VCG. Ngay trong ngày này, giá khớp lệnh cao nhất của VCG đạt 45.000 đồng, giá khớp lệnh thấp nhất đạt 36.000 đồng, giá khớp lệnh bình quân đạt 39.800 đồng cho mỗi cổ phiếu. Giá đóng cửa phiên giao dịch sáng nay 19-12, cổ phiếu của Vinaconex JSC còn 14.500 đồng. |
Công ty xây dựng số 4 cũng không thể cổ phần hóa được do thua lỗ, tổng số lỗ đến ngày 30-9-2005 là hơn 63 tỉ đồng. Chưa kể giám đốc, kế toán trưởng và một số cán bộ công ty đã lập hóa đơn chứng từ khống chiếm đoạt tài sản Nhà nước khoảng 8,9 tỉ đồng. Thậm chí lãnh đạo công ty đã để các cá nhân quản lý thi công công trình tạm ứng vượt số tiền 11 tỉ đồng, cấp vượt vật tư trị giá 2,5 tỉ đồng so với khối lượng ban đầu.
Cũng tại Công ty Xây dựng số 4, Thanh tra Chính phủ phát hiện đơn vị này đầu tư hơn 48 tỉ đồng để mua 9.617 m2 đất tại phương Thảo Điền nhưng khi chuyển giao dự án cho tổng công ty thực hiện thì giá trị đầu tư được xác định là khoảng 126,9 tỉ đồng, chênh lệch với giá trị đã đầu tư khoảng 78,5 tỉ đồng.
Từ kết quả này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi của Vinaconex và các đơn vị thành viên số tiền 1.415 tỉ đồng để trả lại ngân sách nhà nước. Đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.
Thanh tra cũng kết luận Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinaconex và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm về những thiếu sót, vi phạm. Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định, công bố, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa của Vinaconex. UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm do thiếu kiểm tra, giám sát, không có biện pháp xử lý những vi phạm liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất và bán tài sản tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính.
Bình luận (0)