Áp lực bán mạnh xuất hiện từ khoảng 14 giờ đã đẩy hàng loạt cổ phiếu xuống mức giá sàn như VND, VCI, GEX, TCH, HQC... VN-Index có thời điểm giảm sâu tới hơn 28 điểm xuống, chỉ còn 1.424 điểm.
Cuối phiên, nhờ lực đỡ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng nên đã giảm của VN-Index thu hẹp còn 13,9 điểm (-0,96%) xuống 1.438,94 điểm. Toàn sàn HoSE có 135 mã tăng, 339 mã giảm (90 mã giảm sàn) và 35 mã đứng giá.
Chỉ số của sàn Hà Nội (HNX) vẫn ghi nhận mức giảm rất lớn, lên tới 24,13 điểm (-5,42%) xuống 421,21 điểm. Nguyên nhân là do những mã có tác động lớn đến chỉ số HNX-Index như THD, CEO, NVB, SHS, IDC... đều giảm rất sâu.
Toàn sàn HNX chỉ có 48 mã tăng, 197 mã giảm (59 mã giảm sàn) và 35 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,89 điểm (-1,73%) xuống 107,47 điểm. Số mã giảm sàn ở sàn UPCoM là khiêm tốn nhất với 27 mã.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 24.642 tỉ đồng, giảm 29%, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 28% và đạt 21.055 tỉ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng gần 900 tỉ đồng ở sàn HoSE.
Nhiều mã chứng khoán nhóm bất động sản tiếp tục bị bán tháo
Trong phiên này, nhóm cổ phiếu thuộc tập đoàn FLC gồm FLC, HAI, KLF, ROS, AMD, ART tiếp tục đóng sàn và mất thanh khoản khi dư bán giá sàn vẫn "chất" tới hàng chục triệu đơn vị mỗi mã. Thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị cơ quan chức năng xử phạt với mức kịch khung 1,5 tỉ đồng và cấm giao dịch chứng khoán trong vòng 5 tháng càng khiến các nhà đầu tư lo sợ.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tăng nóng thời gian qua cũng đóng cửa ở mức giá sàn.
Riêng nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn bị giảm mạnh do yếu tố dòng tiền bị "siết", hạn chế cho vay.
Trước đó, tạm dừng phiên giao dịch sáng 18-1, VN-Index giảm nhẹ 8,21 điểm, còn 1.444,63 điểm; riêng VN30 lại tăng 3,23 điểm khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại sau chuỗi giảm sâu.
HNX-Index cũng giảm sâu 23,13 điểm, còn 322,21 điểm. UpCom-Index giảm 1,55 điểm, còn 107,81 điểm. Thanh khoản tiếp tục giảm so với các phiên trước, chỉ ở mức hơn 16.000 tỉ đồng trên 3 sàn.
Nhận định phiên này, các chuyên gia vẫn cho rằng dù đà bán tháo chung toàn thị trường giảm nhưng áp lực rủi ro vẫn còn khi mà dòng tiền vào thị trường bị "kềm", nhiều người đã bị buộc bán giải chấp khi giá trị tài khoản thua lỗ nặng, chưa có tiền mua lại. Đặc biệt, nhiều người thấy thị trường giảm sâu đã bán ra, rút tiền về chờ nghỉ Tết Nguyên đán nên thị trường khó hồi phục trong giai đoạn này.
Còn với cổ phiếu bất động sản thì sau thời gian tăng nóng vì "ăn theo" giá trúng đấu giá đất cao kỷ lục ở Khu đô thị Thủ Thiêm thì hiện tại đã và đang chờ kết quả thanh toán 3 lô trúng giá còn lại sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông báo bỏ cọc lô đất trị giá 24.500 tỉ đồng vừa qua.
Bình luận (0)