Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu TAR vào diện bị cảnh báo từ ngày 25-9 do gạo Trung An chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2023 đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó, ngày 18-9, cổ phiếu TAR cũng bị HNX đưa vào diện không được giao dịch ký quỹ (margin) do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2023 soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn.
Về phía TAR, vào cuối tháng 8 có gửi văn bản đến Ủy ban chứng khoán nhà nước, HNX xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên đến ngày 30-9. Lý do công ty tái cơ cấu nhân sự cao cấp, sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho các đơn vị xuất khẩu và hoàn thiện quy trình mua bán hàng nên ảnh hưởng đến việc cung cấp hồ sơ phục vụ công việc soát xét. Đơn vị kiểm toán cũng cần thêm thời gian tiến hành các thủ tục soát xét, thu thập, đánh giá thêm thông tin liên quan để hoàn thiện báo cáo của công ty.
Vào giữa tháng 8, Chủ tịch HĐQT Lê Thị Tuyết và Tổng Giám đốc Phạm Thái Bình của gạo Trung An cùng có đơn xin từ nhiệm với lý do nhằm "cơ cấu lại nhân sự công ty".
Gian hàng gạo Trung An tại một hội chợ
Ngay sau đó, ông Phạm Thái Bình được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc gạo Trung An. Bà Nguyễn Lê Bảo Trang, thành viên HĐQT được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc gạo Trung An.
Theo báo cáo tài chính tự lập của gạo Trung An, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của gạo Trung An là 2.540 tỉ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ 2022 (1.723 tỉ đồng). Tuy nhiên, lãi sau thuế chỉ có 606 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là gần 51 tỉ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 22-9, giá cổ phiếu TAR là 18.100 đồng/cổ phiếu, giảm 800 đồng/cổ phiếu so với ngày hôm trước. Trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu TAR lập đỉnh ngày 8-8 với mức giá 23.100 đồng/cổ phiếu.
Từ cuối tháng 7, xuất khẩu gạo nóng lên ngay sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo thông dụng và sau đó là hàng loạt quy định siết chặt nguồn cung như: áp thuế 20% đối với gạo đồ, áp giá sàn xuất khẩu gạo basmati là 1.200 USD/tấn.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nên hưởng lợi về giá khi mặt bằng giá xuất khẩu tăng đến hơn 100 USD/tấn, lên mức hơn 600 USD/tấn đối với gạo thông dụng 5% tấm.
Tuy nhiên, do hợp đồng ký trước, giao hàng sau nên nhiều doanh nghiệp không hưởng lợi khi giá tăng, thậm chí là ngược lại khi mua vào giá cao để giao hàng cho các đơn hàng giá thấp. Ngoài ra, chi phí vốn tăng, lãi suất tăng cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong bối cảnh xuất khẩu gạo đạt kỷ lục.
Bình luận (0)