Năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ rất sôi động vì dòng tiền đang tăng so với năm trước. Hơn nữa, nguồn cung cũng rất lớn từ việc quyết tâm cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trong đó, riêng ngành giao thông vận tải (GTVT) đã có hàng chục DN tham gia với những thương hiệu có sức hút lớn.
Nguồn cung lớn
Trong 2 năm 2012-2013, cả nước CPH được khoảng 100 DN thì có một nửa là DN ngành GTVT. Quý I/2014, tiếp tục có 11 tổng công ty (TCT) lớn của ngành thực hiện bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và chuyển sang hoạt động theo mô hình mới từ ngày 1-6. Đó là các công ty mẹ TCT xây dựng công trình giao thông (Cienco 1, 4, 5, 6, 8); TCT Xây dựng Thăng Long; TCT Vận tải thủy; TCT Công nghiệp ô tô (Vinamotor); TCT Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA). Trong đó, VNA đang chờ Chính phủ phê duyệt định giá DN để lên sàn vào tháng 9, TCT Xây dựng công trình giao thông 8 mới được Thủ tướng phê duyệt phương án CPH.
Các DN còn lại đã tiến hành IPO và chọn được cổ đông chiến lược với tỉ lệ cổ phần tham gia từ 20%-30% vốn điều lệ. Có 3 DN bị ế vốn là Cienco 6, chỉ bán được 5%-7% do tỉ suất lợi nhuận thấp, lại đóng trên địa bàn khu vực ĐBSCL có nhu cầu đầu tư đường giao thông ít. Vinamotor cũng chỉ bán được khoảng 2,5% vốn do nhà đầu tư đánh giá thị trường ô tô Việt Nam chưa phát triển.
TCT Vận tải thủy cũng nằm trong số này, chờ xin ý kiến Chính phủ cho thực hiện IPO lần 2. Trừ VNA, vốn điều lệ của các DN nói trên từ 300 tỉ đến hơn 1.000 tỉ đồng; sau khi CPH, nhà nước nắm giữ dưới 49% vốn điều lệ. Giá khởi điểm của các DN đều có mức dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, mức hấp dẫn của cổ phiếu DN GTVT vừa IPO chỉ ở mức trung bình nhưng tiềm năng của DN tốt nên nhà đầu tư vẫn bỏ tiền mua. Các DN này đều có lợi thế là năng lực thi công tốt, trang thiết bị và công nghệ thi công cầu đường vượt trội trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Năm 2014, Bộ GTVT cũng có kế hoạch CPH 25 DN, đơn vị sự nghiệp gồm 3 DN thuộc bộ, 10 DN thuộc các TCT, 2 DN thuộc các trường và 10 đoạn quản lý đường sông thuộc Cục Đường thủy nội địa. Trong đó, nhiều DN hứa hẹn có sức hấp dẫn đáng kể như Bệnh viện GTVT Trung ương 1 và TCT Cảng Hàng không Việt Nam.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) và TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có kế hoạch CPH vào năm 2015. Trong quá trình tái cơ cấu được thực hiện từ năm 2010, tính đến tháng 3-2014, SBIC đã hoàn thành cắt giảm đầu mối 61 đơn vị thông qua chuyển nhượng vốn và quyên góp vốn, sáp nhập, giải thể, bàn giao, chuyển chủ sở hữu. Đối với Vinalines, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ cho cơ chế giãn nợ đến hết năm 2018 để có cơ hội CPH.
Đấu giá điện tử để chống ùn tắc
Sự ra mắt rầm rộ của các DN giao thông từ cuối năm 2013 đầu năm 2014 đã khiến cả 2 sở giao dịch chứng khoán lặp lại hiện tượng ùn tắc - điều chỉ xảy ra khi thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng ở giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế. Tính chung trong cả nước, từ nay đến hết năm 2015, có tổng cộng 432 DN IPO. Do đó, phải sắp xếp lịch cụ thể, hợp lý để tránh ùn tắc về mặt kỹ thuật và thu được kết quả đấu giá cao.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA, cho biết bên cạnh sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của sở giao dịch, bản thân mỗi DN phải cân nhắc kỹ các yếu tố chủ quan để quyết định khả năng IPO trong bối cảnh hiện nay. Các yếu tố cần phải cân nhắc là thực lực, sức hút của thương hiệu có đủ hấp dẫn nhà đầu tư hay không. Hơn nữa, cũng phải sáng suốt chọn thời điểm để “bắt” được sức cầu và khả năng hồi phục của thị trường nhằm tạo nên thành công cho ngày IPO. Dự kiến, VNA sẽ IPO vào tháng 9, nhà nước giữ khoảng 70%-80% vốn điều lệ. Xác định trên giá trị sổ sách, VNA có tổng tài sản 57.156 tỉ đồng, tương đương 2,744 tỉ USD. Trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 10.567 tỉ đồng, tương đương 507 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng Ban Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho việc IPO của các tập đoàn, TCT nhà nước. Cụ thể là Ủy ban Chứng khoán đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện đấu giá điện tử theo quy định phân cấp.
Với các khoản đấu giá trên 10 tỉ đồng, DN phải thực hiện đấu giá điện tử và khoản dưới 10 tỉ đồng sẽ thực hiện đấu giá qua các trung gian tài chính. Quy trình IPO sẽ được gắn liền với việc niêm yết để tăng tính minh bạch và quyền lợi của cổ đông, tránh tình trạng đã IPO nhưng trì hoãn niêm yết lên sàn.
Ra nước ngoài mời nhà đầu tư
Để các đợt đấu giá thành công, ngoài những biện pháp bảo đảm chung nhằm tạo sức cầu thị trường như hình thành các định chế đầu tư chuyên nghiệp…, cuối tháng 4, Bộ Tài chính sẽ tổ chức diễn đàn đầu tư tại Nhật Bản. Tại diễn đàn, các tập đoàn, TCT nhà nước dự kiến IPO năm 2014 sẽ đến mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản, cung cấp các thông tin để thuận tiện cho đấu thầu. “Tính khả thi của các đợt IPO sắp tới là rất cao vì nhà đầu tư Nhật Bản đang đánh giá rất tốt về thị trường Việt Nam. Hơn nữa, họ đang muốn dòng đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tăng lên” - ông Nguyễn Sơn nhận định.
Bình luận (0)