Những vấn đề như lãi suất ngân hàng nóng trở lại, những khó khăn của trái phiếu doanh nghiệp chưa có hướng xử lý, đặc biệt là áp lực bán giải chấp ở các công ty chứng khoán chưa có dấu hiệu suy giảm khiến các nhà đầu tư trong nước mang nặng tâm lý bi quan khi bước vào phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay, 15-11.
Trong phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay, 15-11,toàn sàn HoSE có 49 mã giảm, trong đó 206 mã nằm tại giá sàn
Trong lúc các thị trường chứng khoán ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng điểm tích cực thì thị trường Việt Nam lại ở một thái cực khác. Cổ phiếu nằm sàn la liệt ngay khi thị trường mở cửa giao dịch. Những mã vốn hóa lớn như VNM, VHM, SAB, GAS, BID, FPT… cũng không giữ được sắc xanh.
VN30 mất hơn 36 điểm và chạm 900 điểm lúc 10 giờ 14 phút. Cùng thời điểm này, VN-Index giảm gần 37 điểm, xuống 904 điểm, mức giảm của các chỉ số là xấp xỉ 4%.
Từ thời điểm này, thị trường giằng co theo xu hướng đi lên nhờ hoạt động giải ngân đều tay của khối ngoại, tập trung vào các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn. Nhiều mã ngân hàng, thép cũng nhấp nhổm tăng giá trở lại. Điều này thúc đẩy VN-Index lúc 11 giờ 30 phút thu hẹp đà giảm xuống còn 916 điểm.
Đến phiên chiều, áp lực rút tiền ra khỏi thị trường ngày càng tăng. VN-Index có lúc mất 41 điểm, xuống còn 900 điểm với hàng trăm mã cổ phiếu nằm la liệt tại giá sàn. Từ sau 14 giờ, sức mua bất ngờ tăng lên.
Một vài mã cổ phiếu "đàn anh" tăng giá trở lại, giúp thị trường thu hẹp đà giảm như VIC (+3,6%), HPG (+2,5%). Song, điều này vẫn không thể làm an lòng nhà đầu tư trên thị trường.
Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index leo lên 919 điểm nhưng vẫn giảm so với phiên trước 29 điểm (-3,11%). Toàn sàn HoSE có 49 mã giảm, trong đó 206 mã nằm tại giá sàn; khối lượng giao dịch đạt 692 triệu cổ phiếu, tương ứng 9.797 tỉ đồng.
Tại Hà Nội, chỉ số HN-Index cũng giảm 7,67 điểm (-4,18%), còn 175 điểm với 184 mã giảm, trong đó 107 mã giảm giá sàn và 26 mã tăng.
Nếu tính cả sàn UpCoM, thị trường phiên này có xấp xỉ 380 mã cổ phiếu giảm hết biên độ.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.176 tỉ đồng phiên thứ 7 liên tục nhưng vẫn không ngăn được đà rơi của các cổ phiếu. Các mã cổ phiếu được khối ngoại mua tập trung vào STB, HPG, SSI, KBC, GEX, CTG… và bán mạnh các mã DXG, FTS, SAB...
Ở phiên này, trong số 15 nhóm ngành niêm yết cổ phiếu trên 3 sàn (HoSE, HNX và UpCom), có 13 ngành giảm giá. Hai ngành còn lại tăng giá là sản xuất thiết bị máy móc (+0,68%), vật liệu xây dựng (+0,21%), gắn liền với các mã cổ phiếu tăng giá nỗi bật như DTL (+6,9%), HPG (+2,46%), THI (+6,73%)…
Theo Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), hai yếu tố mà chứng khoán Việt đang phải đối mặt là các vấn đề liên quan trái phiếu doanh nghiệp và tình trạng bán giải chấp cổ phiếu từ một số công ty chứng khoán. Điều này khiến thị trường chưa lập được vị thế cân bằng để có thể đi lên trong các phiên sắp tới.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết áp lực bán cổ phiếu giải chấp diễn ra trên diện rộng, tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Lực cầu hỗ trợ vào cuối phiên chủ yếu đến từ một số cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn.
"Với động thái hỗ trợ còn mờ nhạt, dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục lùi bước trong các phiên tiếp theo. Nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước áp lực bán giải chấp còn tiếp diễn, quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường" - VDSC nhận định và khuyến nghị.
Bình luận (0)