Mở cửa giao dịch được vài phút, áp lực bán ra rất mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường liên tục sụt giảm.
Gần cuối buổi sáng, thị trường tiếp nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỉ giá VNĐ/USD lên 5%. Lập tức, các ngân hàng thương mại tăng thêm giá bán ngoại tệ hành trăm đồng/USD. Điều này làm cho giới đầu tư lo ngại tỉ giá sẽ tạo sức ép lên lãi suất, ảnh hưởng không tốt đến lạm phát. Từ đó, họ mạnh tay bán cổ phiếu để hạn chế rủi ro.
Những thông tin kém tích cực khiến áp lực bán dâng cao, lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu khiến chỉ số VN-Index mất tới hơn 24 điểm vào cuối buổi sáng và tạm dừng tại 1.037 điểm. Thanh khoản xuống cực thấp, chỉ đạt 3.788 tỉ đồng.
VN- Index có lúc mất gần 30 điểm nhưng sau đó sức mua lại tăng lên giúp giá cổ phiếu hôm nay hạn chế được đà giảm.
Lực bán mạnh tiếp tục duy trì vào đầu phiên chiều khiến giá cổ phiếu và các chỉ số đồng loạt giảm sâu. Trong đó, VN-Index có lúc mất hơn 31 điểm và VN30 mất trên 34 điểm.
Đến gần 14 giờ, áp lực bán giảm dần và lực cầu xuất hiện trở lại giúp cổ phiếu của nhiều nhóm, ngành thu hẹp đà giảm, thậm chí một số nhóm và cổ phiếu riêng lẻ bật tăng khá mạnh như dầu khí, ngân hàng có SHB, chứng khoán có VIX, VCI... phần nào xóa bớt tâm lý lo lắng của nhà đầu tư.
Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường tiền tệ, lãi suất còn biến động, tâm lý giao dịch của nhà đầu tư vẫn hết sức dè dặt nên dòng tiền chưa chảy mạnh vào cổ phiếu hôm nay.
Điều này thể hiện qua việc sàn HOSE có 165 mã tăng và 291 mã giảm, VN-Index chưa thể bật tăng mà duy trì mức giảm giảm 10,27 điểm (-0,97%) xuống 1.051,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 497,42 triệu đơn vị, giá trị 9.549,84 tỉ đồng, giảm mạnh so với phiên cuối tuần.
Phiên này, nhóm cổ phiếu VN30 trong đó bao gồm các mã vốn hóa lớn như VIC, VHM, VCB... đồng loạt đỏ sàn đã kéo giảm mạnh chỉ số VN-Index và VN30-Index. Ngược lại, các mã giúp cho thị trường hạn chế đà giảm là GAS, SHB, DGC...
Trong khi đó, cổ phiếu hôm nay được nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều hơn bán. Cụ thể, họ mua ròng 446 tỉ đồng tập trung vào các mã VNM, DGC, SSI, SHB, FRT; bán ròng 287 tỉ đồng đối với các mã VND, VHM, NVL, HSG, E1VFVN30.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi PVD tăng trần vào cuối giờ, GAS bật mạnh giúp thu hẹp đà giảm của chỉ số, các mã còn lại như PVC tăng tới 4,97%, PVS tăng 3.43%, PVB tăng 4,17%, BSR tăng 1,5%, PVO tăng 2,78%...
Tại Hà Nội, chỉ số HNX- Index cũng giảm 1,4 điểm còn 226 điểm với 75 mã xanh, 90 mã giảm.
Nhận định phiên giao dịch hôm nay, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho rằng những tin tức thiếu tích cực xảy vào cuối tuần trước và việc Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỉ giá VNĐ/USD là 1 phép thử tích cực cho chứng khoán Việt. Bởi lẽ, trong phiên này, có lúc chỉ số VN- Index mất gần 30 điểm nhưng sau đó sức mua lại tăng lên giúp giá cổ phiếu hạn chế được đà giảm.
Nói xu hướng thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect, nhận định sự chú ý của thị trường trong vài ngày tới sẽ phần nào dịch chuyển đến các thông tin liên quan tới kết quả kinh doanh quý III/2022 của các doanh nghiệp niêm yết. VNDirect dự báo bức tranh kinh doanh quý III sẽ tương đối tích cực cũng như xu hướng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong quý III năm nay.
"Dựa trên đánh giá một số yếu tố thị trường đang dần cải thiện, chúng tôi cho rằng VN-Index đã xác lập đáy ngắn hạn tại vùng 1.000 điểm và đang trong nhịp hồi phục ngắn hạn hướng tới kháng cự gần nhất là vùng 1.070-1.080 điểm và tiếp đến là vùng kháng cự mạnh 1.100-1.120 điểm. Việc duy trì sự thận trọng và tỉ lệ cổ phiếu ở mức vừa phải là hết sức cần thiết. Nhà đầu tư nên phân bổ tỉ trọng cao hơn cho danh mục dài hạn, ưu tiên những cổ phiếu cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh trong 2 quý cuối năm 2022 tích cực và đã về vùng định giá thấp trong lịch sử" – ông Đinh Quang Hinh nói.
Bình luận (0)