Chỉ số VN-Index ngày 23-9 chốt tuần giao dịch ở mức 1.203,28 điểm, giảm 0,94% so với phiên trước; HNX-Index đóng cửa ở mức 264,44 điểm, giảm 0,45% so với phiên trước; UPCoM -Index tăng nhẹ lên 88.59 điểm.
Tính cả tuần qua (19 đến 23-9), VN-Index có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm. So với cuối tuần trước, VN-Index giảm 30,75 điểm, tương ứng giảm 2,5%, xuống mức 1.203,28 điểm.
HNX cũng có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Kết thúc cả tuần, chỉ số HNX-Index giảm 8,44 điểm so với cuối tuần trước, tương ứng giảm 3,1% xuống mức 264,44 điểm.
Khối ngoại đã có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM, với tổng giá trị đạt gần 350 tỉ đồng, trong đó tâm điểm bán mạnh tuần qua chủ yếu là các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán và bất động sản.
Ghi nhận thị trường tuần qua, nhiều nhà đầu tư bày tỏ chán nản thị trường hết đi ngang rồi lại sụt giảm, chưa có đợt tăng điểm thực sự tính từ đầu tháng 9 trở lại đây, đặc biệt là những nhà đầu tư đang "gồng lỗ" suốt đầu năm đến nay, nhất là đối với những người nắm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, sắt thép… Ngay cả những nhà đầu tư mua gom cổ phiếu trong 3 tháng thị trường hồi phục cũng đang lỗ lớn.
Không ít ý kiến băn khoăn thị trường chứng khoán liệu còn hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh lãi suất điều hành vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng.
TS Cấn Văn Lực (giữa) và các diễn giả tại tọa đàm đầu tư
Chia sẻ tại tọa đàm đầu tư 2022 chủ đề "Dòng tiền", do Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) tổ chức sáng 24-9 tại TP HCM, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhận định chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hấp dẫn và sẽ còn triển vọng trong thời gian tới khi nền kinh tế phục hồi.
"Việt Nam là thị trường hiếm hoi trong khu vực ở thời điểm này nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng cổ phiếu, phần nào phản ánh sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán so với các kênh đầu tư khác" - TS Lực nói.
Nói về việc thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn điều chỉnh, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh tới yêu tố "4Đ" gồm "điều chỉnh" là tất yếu sau 2 năm tăng nóng; "đầu cơ" thời gian qua yếu tố đầu cơ trên thị trường chứng khoán khá cao; "đòn bẩy tài chính" tương đối nhiều và giờ hạn chế; cuối cùng là "đám đông" nhà đầu tư cá nhân là F0 (nhà đầu tư mới gia tham gia thị trường). Những yếu tố này tác động khiến thị trường đang giảm.
"Chỉ số của Việt Nam so với thế giới đã giảm khoảng 20% là tương đối mạnh, trong đó cổ phiếu các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… vẫn đang điều chỉnh, có thể khó khăn hơn nhưng ngược lại rất nhiều ngành nghề khác như y tế, giáo dục đào tạo, bán lẻ, bảo hiểm… vẫn rất tiềm năng" – TS Cấn Văn Lực nói.
Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang vào giai đoạn điều chỉnh nhưng vẫn hấp dẫn trong thời gian tới
Đối với nhà đầu tư trong nước thì nhiều sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới như chứng khoán phái sinh, giao dịch T+2. Các doanh nghiệp niêm yết dự kiến năm nay vẫn tăng trưởng lợi nhuận từ 20-25% cũng là yếu tố hấp dẫn, chưa kể việc chấn chỉnh thị trường vốn gần đây của Chính phủ theo hướng lành mạnh, an toàn hơn, hiệu quả hơn…
Theo các chuyên gia của Manulife Investment Việt Nam, hiện định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E) được xem là đang ở trong vùng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, là cơ hội để đầu tư vào thị trường nhằm hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều điểm sáng và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Người quản lý danh mục cổ phiếu, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam, cho biết có nhiều cơ sở để nhà đầu tư tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng trưởng ở mức 2 con số từ đầu năm 2022 đến nay. Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại lớn trong năm nay, là nguồn ngoại tệ lớn giúp bổ sung dự trữ ngoại tệ, ổn định giá trị đồng tiền nội tệ.
"Các ngành nghề được dự báo tăng trưởng tích cực trong giai đoạn kinh tế phục hồi như đầu tư phát triển khu công nghiệp, điện - nước, cơ sở hạ tầng, logistics; ngành bán sỉ và bán lẻ nhờ sự hồi phục sức mua mạnh mẽ từ tiêu dùng nội địa và mùa mua sắm cao điểm cuối năm; du lịch và hàng không…" - ông Tuấn phân tích.
Theo các chuyên gia, có 4 yếu tố nhà đầu tư nước ngoài "rất mê" khi chọn Việt Nam là điểm đến cho dòng vốn của họ gồm: chính trị ổn định, kinh tế phục hồi tốt, hội nhập sâu rộng với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và việc nền kinh tế tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh lợi thế về nguồn nhân lực...
Bình luận (0)