Trong phiên giao dịch cổ phiếu cuối tháng 9, giới đầu tư hết sức lo lắng cho diễn biến của thị trường sau cú đạp thủng đáy hôm 29-9, thêm vào đó chứng khoán Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường lớn đều chìm trong sắc đỏ.
Hầu hết dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đều đứng ngoài quan sát, để mặc cho các tổ chức chủ động đè giá cổ phiếu dẫn tới áp lực bán giải chấp của các công ty chứng khoán. Nhiều người không đủ can đảm theo dõi bảng điện cũng như xem tài khoản của mình vì mức thua lỗ quá lớn.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index "bốc hơi" tới hơn 18 điểm, xuống còn 1.108 điểm. Cả phiên sáng, thanh khoản của sàn HoSE chỉ đạt 252 triệu cổ phiếu, tương ứng với 5.853 tỉ đồng.
Phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay 30-9 đã có nhiều sắc xanh hơn sau 5 phiên đỏ điểm liên tiếp. Ảnh: Hoàng Triều
Bước vào phiên chiều, áp lực bán giải chấp của các công ty chứng khoán ngày càng mạnh, hàng loạt cổ phiếu giảm kịch sàn hoặc mất tới 5-6% giá trị. Hơn 13 giờ 30, VN-Index thủng mốc 1.100 điểm xuống còn 1.099 điểm. Trong khoản thời gian thị trường giảm sâu, khối ngoại trang thủ mua ròng rất nhiều cổ phiếu trên sàn. Đến khoảng từ 13 giờ 45 phút, lực cầu bắt đáy tăng mạnh, nhiều cổ phiếu thu hẹp đà giảm, VN-Indx cũng lấy lại ngưỡng 1.100 điểm. Đến hơn 14 giờ, nhiều cổ phiếu đã bật xanh trở lại. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng với các mã STB, ACB, CTG, TPB hồi phục khá tích cực.
Áp lực bán thu hẹp vào cuối phiên, bên mua thắng thế, VN-Index hồi phục và bật tăng 6 điểm (+0,54%) và chốt phiên giao dịch cuối tuần, cuối tháng 9 và cuối quý III tại 1.132 điểm, tạm thời chấm dứt chuỗi 5 phiên liên tiếp sụt giảm. Bảng điện tử khá cân bằng hơn với 192 mã tăng giá, trong đó 10 mã tăng trần; ngược lại có 264 mã đỏ với 11 mã giảm kịch sàn.
Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng hồi phục và tăng 0,8 điểm lên 250 điểm gắn liền với 80 mã tăng, 120 mã giảm.
Thị trường ghi nhận sự hồi phục tích cực của các nhóm cổ phiếu, chứng khoán (FTS, CTS, SSI, VIX, VND, MBS, SHS…), nhóm khu công nghiệp (BCM, KBC, GEX), thủy hải sản (VHC, ASM, ANV, IDI), phân bón (DCM,DGC, DPM), dầu khí (PVB, PVD, GAS) và nhiều mã trong nhóm bất động sản cũng có mức tăng khá như VRE, HDG, DXG, HDC… Ngược lại, nhóm cổ phiếu đầu tư công và một vài mã ngân hàng, cổ phiếu trụ giảm giá như VCB, HPG, EIB, VHM, MSN… tạo áp lực khiến chỉ số khó hồi phục mạnh.
Giao dịch của khối ngoại là điểm sáng nhất trong phiên cuối tháng 9 khi có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài chốt giá trị tài sản ròng cuối quý III. Theo đó, khối ngoại trở lại mua ròng sau 6 phiên liên tiếp bán nhiều hơn mua. Một thống kê cho thấy nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 11% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE phiên này, với hơn 70 triệu cổ phiếu mua vào và 59,3 triệu cổ phiếu bán ra, giá trị mua ròng đạt gần 183 tỉ đồng, tập trung vào các mã DGC (116 tỉ đồng), KBC (79 tỉ đồng), DPM (57 tỉ đồng), DXG (45 tỉ đồng)…
Thị trường hồi phục giúp các nhà đầu tư bớt áp lực sau 5 phiên đỏ điểm liên tục. Tuy vậy, tâm lý lo lắng, thận trọng, thậm chí chán nản vẫn phủ bóng đen lên thị trường, bởi phần lớn nhà đầu tư đều đang trong tình trạng lỗ nặng, chưa ai dám chắc thị trường những phiên tới sẽ đi theo hướng nào.
Một số công ty chứng khoán nhận xét phiên giao dịch tăng điểm chủ yếu là lực cầu bắt đáy mạnh xuất hiện tại mốt số thời điểm. Tuy vậy, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến cáo thị trường vẫn đang diễn biến tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy mới. Vì vậy, không loại trừ việc tăng điểm của VN-Index chỉ là phiên phục hồi kỹ thuật, quán tính giảm điểm vẫn có thể tiếp diễn trong các phiên tiếp theo. Nhà đầu tư không cần thiết vội vàng bắt đáy, mua đuổi cổ phiếu để quản trị rủi ro trong ngắn hạn.
Các công ty chứng khoán khuyên nhà đầu tư theo dõi về kết quả kinh doanh quý III/2022 của doanh nghiệp sẽ được công bố từ đầu của tháng 10 để có góc nhìn triển vọng thị trường trong 3 tháng cuối năm 2022.
Bình luận (0)