Ngay từ đầu phiên, áp lực bán giải chấp cổ phiếu bất động sản đã làm các chỉ số đồng loạt lao dốc. Điều này không nằm ngoài dự báo vì trước đó, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố từ ngày 7-11 sẽ bán giải chấp 750.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR). Đồng thời, TVSI cũng bán giải chấp 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.
Công ty Chứng Khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng công bố bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group), cho đến khi bảo đảm đủ tỉ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.
Trong khi đó, hàng loạt đại gia bất động sản xuất hiện trên các phương tiện thông tin nói về những khó khăn hiện tại trên thị trường nhà đất, kêu gọi cơ quan quản lý nhà nước "giải cứu" bất động sản.
Áp lực bán tháo cổ phiếu khiến thị trường giảm điểm rất mạnh
Phản ứng thông tin trên, nhóm cố phiếu bất động sản lớn như NVL, PDR, DIG, KDH, NLG… bị nhà đầu tư bán tháo. Từ đó, kích hoạt lệnh bán giải chấp từ nhiều công ty chứng khoán đối với cổ phiếu bất động sản, sau đó lan sang hàng loạt cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác, kể cả chứng khoán và ngân hàng vì nhóm bất động sản thiếu lực cầu.
Kết quả, hàng trăm mã cổ phiếu đỏ sàn. Chỉ số VN-Index lúc 11 giờ 30 phút giảm 22 điểm còn 974 điểm. Chỉ số VN30 cũng giảm 25 điểm với 22 mã giảm. Thị trường giao dịch kém sôi động khi khối lượng giao dịch giảm mạnh so với phiên cuối tuần trước do nhà đầu tư lo ngại chưa dám tham gia bắt đáy.
Bước vào phiên chiều 7-11, bên bán và bên mua giao dịch giằng co khiến các chỉ số chung không chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số cổ phiếu có vốn hóa lớn như ACB, VCB, VNM, GAS, BID, SAB, MSN, GAS, PVS … tăng giá giúp thị trường hạn chế xu hướng giảm.
Cụ thể, ACB, VCB, BID… là các mã ngân hàng có tỉ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu thấp nên tránh được các rủi ro liên quan đến trái phiếu và bất động sản.
VNM, SAB là 2 mã thuộc nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, có biên lợi nhuận ổn định. Còn GAS, PVD là các mã dầu khí hưởng lợi do giá dầu tăng.
Kết phiên, chỉ số VN- Index giảm gần 22 điểm, còn 975 điểm, giữ được mức đáy gần nhất. Toàn sàn HoSE có 383 mã giảm, trong đó có 138 mã giảm giá sàn và 75 mã tăng; giá trị giao dịch đạt 10.555 tỉ đồng với 646 triệu cổ phiếu giao dịch thành công - giảm hơn 1 triệu cổ phiếu so với phiên trước.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng giảm 6 điểm, còn 198 điểm với 29 mã tăng, 168 mã giảm, trong đó có 59 mã giảm giá sàn.
Điểm sáng của phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 520 tỉ đồng nhưng vẫn không ngăn được áp lực bán ở phần lớn thị trường. Các mã họ mua nhiều nhất là VNM, DGC, VND, SSI, MSN, HPG, STB…và bán ra với các mã VCI, HDB, VIC…
Theo Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), các tin bất lợi trong nước liên tục ập đến, nhất là thông tin liên quan một số doanh nghiệp bất động sản khiến tâm lý thị trường bi quan. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán tháo đã cản trở sự hồi phục của thị trường.
"Thế nên giai đoạn này, nhà đầu tư không nên phân bổ vốn quá nhiều vào các kênh tài sản rủi ro vì thị trường vẫn còn nhiều yếu tố khó lường đang ở phía trước" - TCSC khuyến cáo.
Bình luận (0)