Thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCom) thời gian gần đây trở nên sôi động bởi nhiều cổ phiếu vốn hóa “khủng” đã lên sàn này niêm yết, giao dịch.
Tăng gấp đôi năm 2014
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị quản lý và vận hành sàn UpCom, từ đầu năm 2015 đến nay, có đến 72 mã cổ phiếu lên sàn này, gấp đôi năm 2014. Tổng giá trị đăng ký của số cổ phiếu này lên tới hơn 1.550 tỉ đồng.
Như vậy, tính đến nay, tổng số doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn UpCom là 237 đơn vị, tương ứng tổng giá trị chứng khoán đang đăng ký giao dịch đạt trên 47.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho biết lâu nay, nhà đầu tư vẫn mặc định rằng cổ phiếu trên sàn UpCom luôn là hàng thứ yếu so với 2 sàn chính thức là TP HCM và Hà Nội. Bởi lẽ, ngoài những doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết trên sàn chính thức, UpCom còn là nơi “trú ngụ” của những cổ phiếu bị hủy niêm yết vì thua lỗ và nhiều lý do khác.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng cho rằng do thanh khoản của sàn UpCom thấp nên mức biến động giá cổ phiếu không lớn, ổn định hơn so với sàn HoSE hay HNX. Một số chủ doanh nghiệp vì không muốn cổ phiếu công ty mình bị “để ý” nhiều nên chọn lên sàn UpCom cho đủ trách nhiệm với cổ đông.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều cổ phiếu “khủng” lên sàn đã khiến UpCom trở nên nhộn nhịp dù thanh khoản không cao. Điển hình là vào ngày 26-10, sàn UpCom đón nhận 3 doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu giao dịch, gồm: Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GEX), giao dịch 11 triệu cổ phiếu; Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC), giao dịch 63,1 triệu cổ phiếu và Công ty CP Dược phẩm Cần Giờ (CGP), đưa vào giao dịch 10,7 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch gần 850 tỉ đồng.
Mua cổ phiếu “con” vì cổ phiếu “mẹ”
Mặc dù thanh khoản chung của UpCom không cao nhưng một số cổ phiếu trên sàn này vừa qua được các nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, đặc biệt là cổ phiếu có vốn điều lệ cao, cổ phiếu thuộc “dòng họ” của những tập đoàn lớn đang niêm yết trên sàn chính thức.
Điển hình là cổ phiếu MSR của Công ty CP Tài Nguyên Masan (công ty con của Tập đoàn Masan). Công ty này có vốn điều lệ trên 7.100 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2015 đạt doanh thu trên 1.200 tỉ đồng và lợi nhuận 23 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận sắp tới của công ty này cao đột biến nên đã dồn dập mua vào.
Cổ phiếu SDI của Công ty CP Sài Đồng cũng giao dịch khá nhộn nhịp vì đây là thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC). Công ty này có vốn điều lệ trên 1.200 tỉ đồng, đang nắm giữ nhiều bất động sản có giá trị lên tới hàng ngàn tỉ đồng. SDI vừa chi trả cổ tức đến hơn 80%/mệnh giá nên được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn khác cũng đang “ẩn mình” tại sàn UpCom, như: Công ty VinaChem (DAP), Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS), Công ty CP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN)…, đều có vốn điều lệ hơn 1.000- 2.000 tỉ đồng và kết quả kinh doanh khá tốt, được xem là “của để dành” của giới đầu tư khi các cổ phiếu này niêm yết trên sàn chính thức.
Theo trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán, việc mua cổ phiếu trên sàn UpCom có lợi thế là biên độ dao động giá đến 15%, vì vậy tính đầu cơ khá cao. Nhà đầu tư mua xong, giá cổ phiếu chỉ cần tăng trần 1-2 phiên sẽ thu lợi nhuận rất lớn.
Tuy nhiên, đi đôi với cơ hội là rủi ro. Bởi lẽ, đầu cơ cao nên khi thị trường biến động, muốn bán ra cũng khó. Ngoài ra, đây là sàn giao dịch lai giữa thị trường tự do (OTC) và sàn chính thức nên nhiều thông tin còn chưa được công bố, cập nhật kịp thời khiến nhà đầu tư khó tìm hiểu khi muốn đầu tư lâu dài.
Nhộn nhịp nhờ chính sách
Sự gia tăng các doanh nghiệp trên sàn UpCom được cho là nhờ Quyết định 51/2014 của Thủ tướng và Thông tư 01/2015 của Bộ Tài chính - yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phải tham gia UpCom trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc này nhằm cụ thể hóa quy định bắt buộc các công ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng chưa niêm yết hoặc đã hủy niêm yết phải tham gia thị trường có tổ chức của Luật Chứng khoán sửa đổi.
Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho rằng cùng với định hướng đẩy mạnh cổ phần hóa và bắt buộc các doanh nghiệp sớm niêm yết lên sàn giao dịch, dự kiến sẽ có nhiều cổ phiếu niêm yết lên sàn UpCom trong thời gian tới.
Bình luận (0)