Đóng cửa phiên giao dịch trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, VN-Index tăng 32 điểm (2,9%) lên 1.115 điểm. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng lần lượt tăng 1,9% và 1,6%.
Cổ phiếu "vua" trở lại
Trên sàn HoSE, sắc xanh chiếm ưu thế hoàn toàn với gần 400 cổ phiếu tăng giá và chưa đến 60 mã giảm, các cổ phiếu trụ trong nhóm ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường như VCB (Vietcombank), VPB (VPBank), CTG (Vietinbank).
Năm 2020, nhiều mã cổ phiếu của các ngân hàng đã tăng rất mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ, góp phần đưa cổ phiếu "vua" trở lại thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Báo cáo triển vọng thị trường ngân hàng năm 2021 của Bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy, cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng 27,6% so với đầu năm và tăng tới 73,9% so với mức đáy hồi tháng 3, tăng cao hơn mức tăng chung của chỉ số VN-Index.
Về lợi nhuận năm 2021, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng tới 21% so với cùng kỳ. Các ngân hàng thương mại quốc doanh có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn là 30% so với nhóm ngân hàng cổ phần 17,2%, do lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 của nhóm ngân hàng quốc doanh còn thấp.
Nhiều ngân hàng báo lãi ngàn tỉ trong năm 2020 giúp cổ phiếu tăng mạnh
Câu chuyện phục hồi trong năm 2021 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. Dù vậy, cổ phiếu "vua" vẫn được nhận định còn khả năng tăng giá, bên cạnh một số yếu tố xúc tác có thể hỗ trợ tiếp tục như việc niêm yết của một vài ngân hàng khác tiếp tục xu hướng từ cuối năm ngoái đến nay. Hiện mới chỉ có 21 ngân hàng niêm yết trong tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần.
Thực tế, làn sóng các ngân hàng niêm yết chính thức trên sàn hoặc chuyển sàn sang HoSE như Nam A Bank, MSB, ACB, Lienvietpostbank, VIB, OCB…, đã góp phần giúp thị trường chứng khoán tăng điểm đáng kể thời gian qua.
Còn cơ hội tăng nóng?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích trước đây có thời điểm thị trường lo ngại nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khi thời điểm đầu năm 2021 Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng hết hiệu lực, đồng nghĩa áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu tăng mạnh.
Tuy nhiên, thông tin của Ngân hàng Nhà nước về việc Thông tư 01 sẽ được sửa theo hướng cho phép các ngân hàng thương mại giãn lộ trình trích lập dự phòng tín dụng, khiến rủi ro trên giảm bớt; và thực tế trong năm qua nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập trước rủi ro.
"Kết quả lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng năm 2020 như đã công bố, cho thấy mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh và vẫn khả quan bất chấp "năm Covid"; tỉ lệ nợ xấu cũng được kiểm soát ở mức thấp; mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh… Do đó, trong trung dài hạn, dòng cổ phiếu "vua" vẫn chủ động dẫn dắt thị trường chứng khoán" - ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Nhìn rộng ở các nhóm cổ phiếu của các ngành đang dẫn dắt thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo, với nền tảng cơ bản tốt, vốn hoá thị trường tốt...
Ở góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, lại cho rằng cổ phiếu ngân hàng không hẳn hấp dẫn trong năm 2021 như quá nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Đồng thời, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã tăng nóng, lên "đỉnh" giá trong năm qua, nên khó có thể tăng mạnh tiếp trong năm nay.
"Những nhà đầu tư chiến lược, cổ đông lớn hoặc mua để hưởng cổ tức, đầu tư lâu dài thì tiếp tục giữ cổ phiếu ngân hàng. Riêng với nhà đầu tư lướt sóng để kiếm lời có thể nghiên cứu những nhóm cổ phiếu ngành hàng khác với tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong năm nay. Năm ngoái, có cổ phiếu ngân hàng chỉ trong 1 vài tháng đã tăng gấp đôi, tính bằng lần, là mức tăng trưởng quá nóng nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc khi chọn nhóm cổ phiếu này" – ông Phan Dũng Khánh nói.
Chờ sự bứt phá của Agribank
Theo SSI Research, yếu tố quan trọng khác trong năm 2021 đóng góp vào thị trường chứng khoán là việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản mới đây đã đề xuất kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khá hấp dẫn. Quá trình IPO thường mất khoảng 2 năm, và kế hoạch của Agribank bao gồm cổ phần hoá 2 giai đoạn như bán 0,5% cổ phần cho cán bộ nhân viên, sau đó mới niêm yết lên sàn. Sau khi các nhà đầu tư có thêm thời gian để thẩm định, đợt IPO chính thức sẽ được thực hiện…
"Đây hiện mới chỉ là một đề xuất, nếu được thông qua, tỉ trọng trong hệ thống ngân hàng trên VN-Index sẽ tăng vọt và đây có thể là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của ngành" - các chuyên gia phân tích của SSI Research nhận định.
Bình luận (0)